Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân

Thứ năm - 11/11/2021 04:50 0
Hiện nay có rất nhiều công ty sản xuất kinh doanh phân bón làm ăn gian dối, cố tình nhập nhèm từ phân bón hữu cơ ghi nhãn thành phân bón vô cơ, phân bón chất lượng thấp thành phân bón chất lượng cao để lừa người tiêu dùng. Sự việc này khiến bà con nông dân thiệt hại kép khi phải mua phân với giá cao mà chất lượng thấp.
Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân

Nhập nhèm "biến" phân hữu cơ thành vô cơ

Theo xác minh của Tieudung.vn, hàng loạt doanh nghiệp đã cố tình gian dối ghi nhãn bao bì biến phân bón hữu cơ thành phân bón vô cơ. Đặc biệt là cách ghi nhãn, nếu như người tiêu dùng không tinh ý sẽ rất dễ mua phải hàng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cách ghi nhãn kiểu như: dòng chữ “Phân hữu cơ Khương Nam Việt A2” – (Bổ sung phân bón vô cơ) thì nhỏ, còn chữ D.A.P mặc dù là có ghi chú trong thành phần nguyên liệu nhưng chữ D.A.P lại được ghi rất lớn, nhìn qua mẫu bao phân người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn là sản phẩm DAP.

Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân Mô tả ảnh.
Ghi nhãn nhập nhèm, biến phân hữu cơ thành phân vô cơ...lừa người tiêu dùng

Tương tự, mẫu bao phân bón của công ty TNHH SX-TM-XD Hùng Châu (có địa chỉ tại: 446 Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) lại “chơi chiêu” ghi tiếng nước ngoài với dòng chữ nhỏ xíu “VD2 – BIO – ORGANIC FERTILIZER” (nghĩa tiếng việt là: Phân bón hữu cơ sinh học VD2), bên dưới là dòng chữ đậm rất to D.A.P (18 – 46 – 0).

Hay như bao phân bón của D.A.P được ghi bằng tiếng nước ngoài với dòng chữ rất lớn là D.A.P Quality of KOREA 18-46-) DIAMMONIUM Phosphate... chiếm gần hết diện tích bao phân bón, còn phần tiếng Việt chỉ ghi nhỏ xíu ở trong khung với dòng chữ: Nguyên liệu được nhập khẩu từ KOREA đóng gói tại công ty TNHH MTV XNK Phân bón Hà Tây, địa chỉ 204 Phan Văn Mãng, KP8, thị trấn Bến Lức, Long An, nhưng trên cổng thông tin thuế thì công ty này có địa chỉ tại: 03 Đường số 1, ấp Tấn Long, Xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An.

Mẫu bao phân NP của công ty TNHH SX-TM-DV Phân bón Nhật Mỹ cũng vậy, mặc dù là phân NP như công ty này ghi phần nguyên liệu bằng tiếng nước ngoài rất lớn với dòng chữ D.A.P 18-46-0 nên người nông dân không thể nhận biết được sản phẩm này là NP hay DAP chỉ có logo của công ty là được ghi bằng tiếng việt, phần lớn còn lại là tiếng nước ngoài, thậm chí còn ghi là công nghệ Philippine. Theo tìm hiểu của PV thì công ty này có địa chỉ tại: Khóm An Hòa B, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, An Giang.

Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân Mô tả ảnh.
Ghi nhãn nhập nhèm gây nhiểu lầm cho nông dân (hình bao phân bên trái của Công ty Hùng Châu, bên phải là Phân bón Hà Tây)

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Lợi dụng giá phân bón tăng cao nhất là các mặt hàng như DAP, Ure, Kali,... các doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch đã ghi nhãn nhập nhèm để hòng bán giá cao tương đương sản phẩm phân bón DAP chính hiệu.

Cụ thể là các loại sản phẩm phân bón có ký hiệu bên ngoài bao bì là D.A.P thì đều là sản phẩm phân bón hữu cơ đen hay phân NP nhập khẩu có giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm phân bón DAP, đặc biệt là chất lượng không thể bằng phân bón DAP. Thậm chí có công ty còn ghi bên ngoài bao bì bằng tiếng anh với chữ UREA Yellow (có nghĩa là đạm vàng) nhưng thực chất đây là phân Amon hạt đỏ và hạt trắng trộn lại rồi bán ra thị trường với giá bán tương đương phân urea thật (khoảng 700 -750 ngàn đồng/bao 50kg, tương đương 14-15 triệu đồng/tấn) trong khi giá Amon chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tấn – tương đương 350-400 ngàn đồng/bao 50kg.

Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân

Theo bảng giá phân bón trên thị trường Việt Nam đầu tháng 11/2021, một tấn phân bón DAP Đình Vũ xanh 61% có giá khoảng 18,5 triệu đồng/tấn (tương đương 930,000 đồng/bao 50kg); DAP xanh 61% Vân Thiên Hóa hay Hồng Hà có giá khoảng 23,6 triệu đồng đến 24 triệu đồng/tấn (tương đương khoảng 1,18-1,2 triệu đồng/bao 50kg). Trong khi đó giá phân hữu cơ nhập khẩu có giá vốn khoảng 220 USD/tấn (tương đương khoảng 250 ngàn đồng/ bao 50kg), nhưng đến tay người nông dân thì khoảng 15-17 triệu đồng/tấn, xắp xỉ bằng phân DAP Đình Vũ.

Như vậy, bằng những thủ thuật ghi nhãn nhập nhèm “biến” phân hữu cơ thành phân vô cơ (DAP, UREA), các công ty phân bón này đã bắt tay cùng các đại lý và cửa hàng vật tư nông nghiệp lừa... bán phân “đểu” cho nông dân với giá cao gấp từ 4 đên 6 lần giá trị thật.

Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân

Thế nhưng, với những hành vi gian dối của các đơn vị này khi bị các cơ quan chức năng phát hiện thì họ mạnh tay “chung chi” nên cũng chỉ “được” xử lý ở mức “vi phạm hành chính”, với mức xử phạt vài triệu đồng. Điều này càng làm cho thị trường phân bón vốn đã “loạn” lại càng “loạn” hơn, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, thiệt hại cho người tiêu dùng mà cụ thể là người nông dân một nắng hai sương, cũng như thiệt hại cho nền nông nghiệp và nền kinh tế nước nhà.

Theo luật sư Vũ Xuân Cát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), với hành vi vi phạm của những đối tượng này đã có dấu hiệu cấu thành tội “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” được quy định tại điều 195 Bộ Luật hình sự 2015, nếu thực hiện với số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Cần xử lý hình sự hành vi “biến” phân bón hữu cơ thành vô cơ để lừa nông dân

Ghi nhãn nhập nhèm phân bón chất lượng thấp "biến" thành phân bón chất lượng cao để lừa người tiêu dùng

Cũng theo Luật sư Vũ Xuân Cát, hàng hoá có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng giả chất lượng hoặc công dụng:

Hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng như bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.

Hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; không có hoặc có ít dược chất, có chứa dược chất khác với tên dược chất ghi trên nhãn hoặc bao bì; không có hoặc không đủ hoạt chất, chất hữu hiệu không đủ gây nên công dụng ; có hoạt chất, chất hữu hiệu khác với tên hoạt chất, chất hữu hiệu ghi trên bao bì.

Hàng hoá không đủ thành phần nguyên liệu hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố, gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.

Hàng hoá thuộc danh mục Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng mà không thực hiện gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường .

Hàng hoá chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn mà sử dụng giấy chứng nhận hoặc dấu phù hợp tiêu chuẩn (đối với danh mục hàng hoá bắt buộc).

Điều 195: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công     dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.”

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

 

Tác giả bài viết: Hà Minh Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây