Nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' thắng lớn

Thứ ba - 12/03/2024 21:11 0
Có những lúc doanh nghiệp tưởng chừng rất "đuối", có những ngành cả năm bết bát nhưng kết năm 2023, vẫn không ít công ty đột phá ở đích đến. Dù chưa phải là số nhiều nhưng những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế đã đi qua vùng đáy của khó khăn và đang phục hồi trở lại.
Nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' thắng lớn

"Ông lớn" bất động sản, xây dựng lãi khủng

Khó khăn nhất trong suốt năm qua, kéo dài tới tận lúc này là bất động sản. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023 có khoảng 1.300 doanh nghiệp (DN) bất động sản giải thể, tăng gần 8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng, có khoảng 107 công ty rời bỏ thị trường, số còn lại đa phần đã phải cắt giảm nhân viên từ 50 - 75%. Tuy vậy, vẫn có không ít ông lớn trong ngành có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục, báo lãi lớn trong những ngày cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' thắng lớn- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc những ngành hàng khó khăn trong năm có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong giai đoạn cuối năm

TN

Đầu tiên phải kể đến là "anh cả" Vinhomes. Báo cáo tài chính cho thấy năm 2023, Vinhomes đạt 103.334 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 66% so với năm 2022. Trong đó tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào doanh thu tài chính đạt 121.400 tỉ đồng, tăng 49% so với năm trước.

Phần lớn con số này là nhờ DN hoàn tất bàn giao 9.800 căn bất động sản thấp tầng tại 2 dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3. Kết quả, lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2023 của công ty vượt kế hoạch năm đề ra, đạt 33.300 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước. Dự kiến trong năm 2024, DN này sẽ khai trương trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Grand Park lớn nhất miền Nam vào tháng 4 tới và tiếp tục 2 công trình tháp văn phòng hạng A tại Vinhomes Grand Park và cửa ngõ Vinhomes Ocean Park 2 và 3. Cùng với mảng sản xuất kinh doanh xe điện, doanh thu của công ty mẹ - Tập đoàn Vingroup - cả năm 2023 đạt 161.634 tỉ đồng, tăng 59% so với năm trước. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của DN này.

Tương tự, nhờ doanh thu tài chính gấp đôi so cùng kỳ, lợi nhuận quý 4/2023 của Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) tăng vọt gấp 12 lần so cùng kỳ năm trước, với 805 tỉ đồng lãi ròng. Trong năm 2023, doanh thu tài chính trở thành điểm sáng của Novaland khi ghi nhận 5.741 tỉ đồng, tăng 15%, nhờ phát sinh gần 415 tỉ đồng lãi mua bán chứng khoán kinh doanh. Bên cạnh đó, lãi từ hợp tác đầu tư cũng tăng 39%... giúp DN không những hoàn thành mục tiêu mà còn vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm qua hơn 220%.

Cũng ở gam màu sáng, năm 2023, mức lãi của Tập đoàn Nam Long từ công ty liên doanh, liên kết đạt hơn 418 tỉ đồng, tăng đột biến gần gấp 17 lần so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của DN đạt gần 484 tỉ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Tuy nhiên, đây được xem là mức giảm tương đối thấp so với mặt bằng chung khi thị trường bất động sản "đóng băng" trong thời gian dài của năm qua. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Long đạt 28.600 tỉ đồng, tăng 6% so với đầu năm ngoái.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán SSI ước tính năm 2024, Nam Long có thể ghi nhận doanh thu 6.860 tỉ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.030 tỉ đồng, tăng 136%. Nguyên nhân đến từ việc thay đổi phân khúc nhà ở giá thấp hơn, vừa túi tiền đa số người có nhu cầu giúp DN này lội ngược dòng trong giai đoạn khủng hoảng. Kết quả kinh doanh năm qua của tập đoàn tuy chưa đạt kỳ vọng, song cho thấy hướng đi mới sẽ giúp DN phục hồi tốt trong năm nay.

Năm 2023 còn là năm khó khăn đỉnh điểm với ngành xây dựng. Thế nên kết quả kinh doanh của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình trong quý 4/2023 với doanh thu 2.190 tỉ đồng, lãi gộp 53 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỉ đồng. Đáng lưu ý, báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ Hòa Bình đạt gần 103 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỉ đồng. Kết quả của Hòa Bình, cánh chim đầu đàn trong ngành này khiến bức tranh chung bớt ảm đạm.

Sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ cũng bứt tốc

Cũng giống như bất động sản, ngành hàng không VN đã trải qua một năm 2023 với rất nhiều thách thức. Dù phải tăng giá "hết nấc" nhưng áp lực chi phí cùng nguồn khách quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng khiến hầu hết các hãng hàng không nhọc nhằn gánh lỗ. Thế nhưng, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 vừa phát hành của Hãng hàng không Vietjet ghi nhận kết quả cực kỳ ấn tượng với doanh thu 53.600 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 697 tỉ đồng, trở thành hãng hàng không duy nhất của VN có lãi, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay.

Riêng trong quý 4/2023, doanh thu của Vietjet tăng tới 89%, mang về 14.900 tỉ đồng, giúp hãng "bỏ túi" 70 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa trong quý 4 cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh 46% so với năm 2022, đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không. Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Vietjet là kết quả của hành trình nỗ lực tiên phong mở rất nhiều đường bay mới phục vụ du lịch.

Các đường bay lần đầu tiên kết nối VN tới những thành phố lớn của Ấn Độ hay kết nối tới Úc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy chỗ cao, đạt hệ số sử dụng ghế bình quân tới 87%. Điều này cho thấy bức tranh du lịch đã có nhiều điểm sáng. Nhờ vậy, một trong những DN du lịch hàng đầu là Vietravel cũng đã đón mùa cuối năm vui vẻ với doanh thu thuần 1.368 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 156 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' thắng lớn- Ảnh 2.

Với các DN sản xuất, tiêu dùng, năm vừa qua là giai đoạn vô cùng khó khăn khi sức mua xuống đáy. Ngay tại thời điểm cận Tết Nguyên đán hiện nay, thị trường vẫn chưa thể đột phá. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản nhiều DN bỏ túi lợi nhuận ngàn tỉ đồng.

Chẳng hạn như cuộc bứt tốc quý cuối cùng trong năm của "vua thép" Hòa Phát với phần lãi ròng tăng tới 249% so với cùng kỳ năm trước và tăng 48% so với quý trước - đạt 2.969 tỉ đồng. Nhờ đó, tổng doanh thu của tập đoàn ghi nhận 34.925 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là quý ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất cả năm 2023 của Hòa Phát.

Theo báo cáo tài chính của công ty, mặt hàng chủ lực là các loại thép tuy chưa phục hồi được như giai đoạn trước, song, mảng nông nghiệp cùng hàng gia dụng tăng trưởng mạnh đã góp phần vẽ thêm nhiều gam màu sáng cho bức tranh kinh doanh mùa cuối năm. Trong đó, sản lượng bán hàng của Gia cầm Hòa Phát lần đầu vượt hơn 300 triệu quả trứng sạch, vượt 10% kế hoạch năm và tăng hơn 17% so với năm 2022.

Kết quả này giúp Hòa Phát cán đích 300 triệu quả trứng trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đồng thời, tạo động lực để công ty này chính thức cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm trứng gà vỏ hồng mang tên "Hòa Phát Smile" ngay từ những ngày đầu năm 2024. Tương tự, nhu cầu của người tiêu dùng sắm sửa đồ gia dụng mùa cuối năm cũng thúc đẩy Điện máy gia dụng Hòa Phát liên tục tung ra thị trường hàng loạt dòng sản phẩm mới chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023. Nhiều thiết bị nhà bếp như máy hút mùi, máy ép chậm, nồi cơm điện, nồi áp suất, ấm siêu tốc... lần đầu tiên được ra mắt nhận được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng.

Nếu như mảng tiêu dùng là động lực tăng trưởng lớn của "vua thép" thì chắc chắn, những nhà bán lẻ hàng đầu cũng không thể bỏ lỡ cơ hội tăng tốc mùa cao điểm cuối năm. Bất chấp sự suy yếu của tiêu dùng, The CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp của Tập đoàn Masan, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại doanh thu 57.684 tỉ đồng trong năm 2023 cho Masan.

Đại diện Masan nhận định thị trường thời gian qua nhiều biến động, triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa có thể ảnh hưởng đến lộ trình phục hồi của VN. Song, các DN sở hữu mảng kinh doanh tập trung vào người tiêu dùng tạo ra dòng tiền vững chắc như Masan có nhiều lợi thế tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế với những điều kiện rất thuận lợi. Đơn vị này cũng dự báo thị trường tiêu dùng tại VN sẽ tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm 2024 và phục hồi nhanh chóng trong nửa năm còn lại.

Đây là cơ sở để Masan tự tin đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 2024 trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7 - 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số nằm trong khoảng 2.290 - 4.020 tỉ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỉ đồng trong năm 2023.

Không chỉ dựa vào sức mua của thị trường trong nước, nhiều DN đã nhanh chóng thích ứng, phát huy lợi thế xuất khẩu để về đích trọn vẹn trong quý 4. Điển hình là Vinamilk. Gia tăng các đơn hàng xuất khẩu trong quý cuối năm 2023 đã giúp doanh thu của "ông lớn" ngành sữa tăng trưởng ấn tượng. Báo cáo tài chính quý 4/2023 của Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 15.630 tỉ đồng và 2.351 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 3,6% và 25,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, các thị trường nước ngoài có mức tăng trưởng ấn tượng 11,7% so với cùng kỳ, đóng góp 2.534 tỉ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.298 tỉ đồng trong quý 4/2023, bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trưởng 19,3% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ DN

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh thu, lợi nhuận của một số DN lớn có sự thay đổi theo hướng tích cực đến từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đó là nỗ lực tối ưu hóa các chi phí, mạnh tay cắt giảm chi phí, thậm chí cắt giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy, giảm áp lực chi phí lương. Sự thay đổi về chất có thể nhận thấy trong nhiều DN là khoản nợ phải trả giảm, lợi nhuận được đẩy lên cao nhờ chính sách tái cơ cấu quyết liệt; thay đổi sản phẩm theo hướng giá cả tiệm cận với nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng. Chẳng hạn, nhiều DN kinh doanh bất động sản chuyển hướng phát triển thêm phân khúc nhà hạng trung, ngành sản xuất hàng tiêu dùng tung các sản phẩm phù hợp túi tiền người dân trong bối cảnh thu nhập giảm.

Nhiều doanh nghiệp 'lội ngược dòng' thắng lớn- Ảnh 3.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - nhận xét năm 2023 đi qua trong khó khăn và nhiều bất lợi khiến nền kinh tế chưa thể bứt phá như mong muốn. Nhìn vào mức độ mua sắm tết trong năm nay có thể thấy tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn còn khá cẩn trọng. Cùng với những chỉ số vĩ mô, kết quả kinh doanh của một số DN lớn, dẫn đầu ngành sản xuất kinh doanh cho thấy có sự chuyển biến, thay đổi tích cực, tuy còn khá khiêm tốn. Song đó là sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận của DN và thậm chí có những yếu tố "thiên thời, địa lợi" cần phát huy.

Chẳng hạn, nhà sản xuất hàng tiêu dùng Masan có phân khúc thị trường riêng, đặc biệt, thị trường ngách của họ khá tốt nên cũng vẫn có dòng doanh thu ổn định. Hay Vinhomes có nhiều sản phẩm được bán khá tốt trong năm qua, năm nay nếu không có sản phẩm mới, có thể nhiều dòng sản phẩm của DN bị khựng lại, song những kết quả khả quan sẽ giúp DN tạo đà đi tiếp…

TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm. Thế nên, điều hành chính sách tiền tệ cần có sự chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Để hỗ trợ DN phục hồi tốt, cần tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và DN.

Cùng với những chỉ số vĩ mô, kết quả kinh doanh của một số DN lớn, dẫn đầu ngành sản xuất kinh doanh cho thấy có sự chuyển biến, thay đổi tích cực, tuy còn khá khiêm tốn. Song đó là sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận của DN và thậm chí có những yếu tố "thiên thời, địa lợi" cần phát huy.

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Quý 4/2023, tổng lợi nhuận nhóm DN niêm yết tăng mạnh gần 50%

Cập nhật mới nhất của FiinTrade cho thấy tính đến sáng 31.1, đã có 995 DN niêm yết đại diện 95,6% vốn hóa trên 3 sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 49,4% và so với quý 3 trước đó tăng 15,9%. Trong đó, tăng trưởng đột biến được ghi nhận ở khối phi tài chính tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 31,1% so với quý liền kề trước đó, trong khi lợi nhuận sau thuế của khối tài chính tăng lần lượt 20,2% theo năm và 9,8% theo quý. Sự hồi phục về lợi nhuận ở nhóm thép (HPG, HSG) và thu nhập không thường xuyên của Đạm Hà Bắc (DHB) góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng cao này. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 của nhóm thép tăng lần lượt 212,1% so với cùng kỳ năm ngoái và dương 56% so với quý trước.

Trên 90% DN du lịch kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh

Kết quả khảo sát DN ngành du lịch - khách sạn do Vietnam Report vừa công bố ghi nhận 66,7% số DN tham gia khảo sát cho rằng triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn. Trong đó, 92,9% kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu sẽ tăng mạnh nhất trong năm 2024; 85,7% DN kỳ vọng sự tăng trưởng về lợi nhuận và lượt khách. Sự tự tin này được xây dựng từ nền tảng cơ sở chính sách visa mới có hiệu lực từ 15.8.2023 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, DN. Trong 4 tháng cuối cùng của năm 2023, số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu. Đến năm 2024, chính sách này tiếp tục được 92,9% DN tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là "đòn bẩy" chính giúp du lịch VN tiếp tục tăng trưởng.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) dự báo tổng số DN đăng ký thành lập mới năm 2024 tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162.500 DN. Đối với số DN quay trở lại hoạt động, trên cơ sở tình hình năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh ước thực hiện năm 2024 từ 74.000 DN xuống còn khoảng 68.000 DN, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến sẽ vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng này kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Con số này được dự báo chỉ tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178.000 DN rút lui khỏi thị trường (trong đó, có khoảng 10% là số lượng DN thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường).

 

Tác giả bài viết: Nguyên Nga - Hà Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây