1. Bối cảnh của nạn mại dâm tại Việt Nam:
Hoạt động mại dâm đang diễn biến rất tinh vi, phức tạp, với nhiều hình thức mới, rất khó phát hiện để xử lý triệt để. Người hành nghề mại dâm thường tập trung ở các thành phố lớn, khu du lịch, khu công nghiệp, ... Họ thường lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: karaoke, massage, nhà nghỉ, khách sạn, ... để hoạt động.
Theo số liệu của UBND thành phố Hồ Chí Minh, kết quả công tác phòng, chống mại dâm 06 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn còn 16 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 17 phường, xã với khoảng 60 đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm đứng đường hoặc dùng xe gắn máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm.
Theo số liệu thống kê, thành phố Hồ Chí Minh đang có gần 4.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong đó, 657 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm và 883 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục. Tổng số nhân viên làm việc tại các cơ sở này là gần 18.000 người. Số nhân viên có nghi vấn hoạt động mại dâm là 994 người; nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục là hơn 1.500 người
Hoạt động mại dâm nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh. Thay vào đó là nhiều phương thức hoạt động kín đáo. Tình trạng mại dâm trá hình “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Nhất là các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; có sự liên quan giữa mại dâm và sử dụng trái phép chất kích thích. Đáng chú ý, nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam góp vốn mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện khả nghi hoạt động mại dâm.
Hoạt động mại dâm biến tướng thành đường dây “hợp đồng”, “gái gọi” dưới nhiều hình thức tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài với nhiều hình thức như: chào hàng dưới danh nghĩa cho thuê người yêu, tổ chức tour du lịch ở trong nước và ra nước ngoài. Đối tượng tham gia là sinh viên, người mẫu, diễn viên. Ngoài ra, đã xuất hiện đường dây mại dâm do người nước ngoài tổ chức, gái mại dâm là người nước ngoài.
Theo thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động này thường sử dụng mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh nhằm giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận giá cả, hình thức và địa điểm. Thanh toán có thể bằng tiền ảo, thông qua các trung gian thanh toán, tài khoản ngân hàng không chính thức, tiền gửi qua các đại lý game trực tuyến. Hoạt động mại dâm, mua bán người nhằm mục đích mại dâm tại các tuyến biên giới, ven biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát.
Từ thực trạng trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung quy định về từ ngữ "mua dâm", "bán dâm", "giao cấu", "mại dâm đồng tính", "mại dâm chuyển giới", "khiêu dâm, kích dục".
Đồng thời, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất sớm có văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
2. Thực trạng áp dụng pháp luật và các vướng mắc, bất cập của tội phạm mại dâm theo pháp luật hình sự Việt Nam:
2.1. Khái niệm:
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 đã có định nghĩa về các hành vi mại dâm, mua dâm và bán dâm, như sau:
“Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác” (khoản 1 Điều 3).
“Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu” (khoản 2 Điều 3).
“Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm” (khoản 3 Điều 3).
2.2. Thực trạng và các vướng mắc, bất cập:
Trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật về các tội liên quan đến mại dâm, tác giả nhận thấy còn nhiều tồn đọng và bất cập trong các quy định hiện hành.
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 chưa có sự thống nhất rõ ràng trong việc phân biệt giữa hành vi giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác. Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ ràng về tội phạm tình dục. Bao gồm cả hành vi giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác và xử lý cả hai loại hành vi này như nhau, như trong các tội "Hiếp dâm" (Điều 141, Điều 142), "Cưỡng dâm" (Điều 143, Điều144), và "Giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi" (Điều 145),...
Khoản 1 và 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự 2015 về xử lý các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Hành vi giao cấu trong các điều khoản nêu trên là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, bất kể mức độ xâm nhập. Hành vi quan hệ tình dục khác được quy định là hành vi của những người cùng giới hoặc khác giới sử dụng bộ phận sinh dục nam, các bộ phận khác trên cơ thể (như ngón tay, lưỡi,...) hoặc dụng cụ tình dục để xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng hoặc hậu môn của người khác, cũng không phân biệt mức độ xâm nhập.
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu và khoản 1 Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rằng chỉ khi người từ đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi thì hành vi này mới cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Như vậy, đặt tình huống một người từ đủ 18 tuổi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện hành vi có tính chất dâm ô[1] nhưng không giao cấu đối với người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi thì sẽ không cấu thành tội phạm “Mua dâm người dưới 18 tuổi” quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự do chưa xảy ra hành vi “giao cấu” mà chỉ mới dừng lại ở hành vi “quan hệ tình dục khác”. Vậy hành vi của người đó có bị xử lý hình sự hay không phải cần được làm rõ.
Một tình huống khác, các hành vi mại dâm khác là của những người đồng tính thì có chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và Bộ luật Hình sự 2015 hay không?
Hiện nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, có thể khẳng định những hành vi như vậy thể hiện rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội. Sự không thống nhất giữa quy định của Bộ luật Hình sự và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đang "để lọt" các hành vi nguy hiểm cho xã hội, hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống mại dâm của nước ta.
Thứ hai là bất cập trong việc định tội danh, tại Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142[2] của Bộ luật này…". Tuy nhiên, tại các Điều 327, 328 về “Tội chứa mại dâm” và “Tội môi giới mại dâm” đều có một tình tiết tăng nặng là “Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” nhưng không có quy định "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…". Vậy hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi thì cấu thành tội phạm gì và xử lý ra sao? Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Một bất cặp khác là Điều 149 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội cố ý truyền HIV cho người khác, vậy đặt câu hỏi những căn bệnh truyền nhiễm khác có tính nguy hiểm cao nhưng không thuộc quy định tại Điều 149 như lậu, sùi mào gà, viêm gan B, … thì có cấu thành tội phạm hay không? Nếu có thì cấu thành tội gì và xử lý ra sao?
Ngoài ra, hành vi mại dâm giờ đây đã biến tướng một cách tinh vi, lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để truyền thông tin bán dâm. Những hành vi này rất kín đáo, khó phát hiện và đang ngày một phổ biến, không khó để bắt gặp các hội nhóm có dấu hiệu mua bán dâm đang “tràn lan” trên mạng xã hội. Tuy nhiên pháp luật về mại dâm của Việt Nam cũng chưa có điều chỉnh về vần đề này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
3. Kiến nghị:
Tình hình tội phạm mại dâm ở nước ta đang có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc thống nhất trong các quy định pháp luật cũng như nhận thức chung về tội phạm mại dâm trong thực tiễn áp dụng.
Qua một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, tác giả có một số đề xuất kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện Pháp lệnh để làm rõ các khái niệm mua dâm và bán dâm. Theo đó, quy định pháp luật nên xác định "mua dâm" là hành vi trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người bán dâm; "bán dâm" là hành vi nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người mua dâm. Và cần phải mở rộng hơn về khái niệm, nạn nhân của tội phạm có thể là người thuộc bất kỳ giới tính nào.
Thứ hai, bổ sung cụm "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…" vào các Điều 327, 328 Bộ luật hình sự 2015 vì hiện nay, hành vi giao cấu và quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi đều bị xem là "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi[3]". Vì vậy, nếu có hành vi môi giới hoặc chứa mại dâm thì người thực hiện hành vi này sẽ cấu thành tội "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi." với vai trò đồng phạm.
Ngoài ra, cần bổ sung và miêu tả cụ thể các hành vi mại dâm trong các điều luật như Điều 327, 328 và 329 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, Điều 327 - Tội chứa mại dâm - cần quy định rõ người nào cung cấp địa điểm, phương tiện để người khác trả hoặc nhận tiền nhằm thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác; Điều 328 - Tội môi giới mại dâm – cần quy định rõ người nào làm trung gian, dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc trả hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; Điều 329 - Tội mua dâm người dưới 18 tuổi – cần quy định rõ người đủ 18 tuổi trở lên trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 18 tuổi.
Thứ ba, cần bổ sung thêm các hành vi lợi dụng công nghệ, mạng Internet để mại dâm, môi giới mại dâm và các hành vi lan truyền bệnh lây nhiễm có tính nguy hiểm cao không được quy định tại Điều 149 Bộ luật hình sự 2015 thành các tình tiết tăng nặng hoặc quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
[1] Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/ NQ-HĐTP quy định:
Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
[2] Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
3] Điều 142 Bộ luật hình sự 2015
Tác giả bài viết: Phạm Nhật Khang. SV Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: Hội Phổ Biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc