Vương Thủ Nghĩa, người Trung Quốc, vốn có gia đình bên nội từng mở nhà thuốc. Sau khi rời chốn quan trường, ông nội của ông đã điều chế ra một hương liệu bí truyền mang tên "Thập Tam Hương". Công thức bí mật của loại hương vị này được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình. Cứ thế đến những năm 1950, Vương Thủ Nghĩa cuối cùng cũng được kế thừa tinh hoa của dòng họ.
Năm 1959, mùa màng thất bát, nạn đói hoành hành, gia đình không đủ ăn khiến Vương Thủ Nghĩa quyết định cải tiến công thức bí mật của tổ tiên và gom hết số tiền tiết kiệm cho tuổi già để bắt đầu buôn bán nhỏ lẻ gia vị Thập Tam Hương.
Ở tuổi 60, cứ 4 giờ sáng, Vương Thủ Nghĩa vẫn sẽ đi ra ngoài bán hàng cho đến tối mịt mới về nhà. Năm 1984, từ số vốn 100 NDT, ông cùng con trai mở một xưởng sản xuất tại gia nhằm đẩy mức sản xuất sản phẩm. Nhờ giá thành rẻ và chất lượng tuyệt vời, việc kinh doanh của Thập Tam Hương ngày càng phát triển. Thậm chí, có nhiều khách hàng ở tận phương xa tìm đến để mua gia vị của ông.
Năm 1985, Vương Thủ Nghĩa bắt đầu đầu tư hơn về hình ảnh sản phẩm khi cho in hình mình lên trên bao bì sản phẩm thay cho tem chống hàng giả. Kể từ đó, Thập Tam Hương đã mở rộng thị trường, phân phối sản phẩm trên toàn quốc và tạo ra một xu hướng mới về gia vị. Chỉ 10 năm sau khi khởi nghiệp, Vương Thủ Nghĩa đã trở thành tỷ phú. Sau này khi ông qua đời, Thập Tam Hương vẫn được con trai ông tiếp quản và mở rộng.
Đến năm 2015, công ty này đã phát triển lớn mạnh với 2000 nhân viên, đạt sản lượng hàng năm hơn 53.000 tấn gia vị các loại, với doanh thu đạt 1,6 tỷ NDT. Năm 2017, sau 33 năm kiên trì làm việc, từ sản phẩm chỉ lãi 0,08 NDT, mỗi năm họ có thể thu về 300 triệu NDT. Công ty của ông cũng chưa bao giờ vay mượn tiền từ bên ngoài.
Bí quyết thành công
Từ một xưởng nhỏ trở thành một tập đoàn lớn và dẫn đầu trong ngành, thành tựu có được không phải là do may mắn, mà là nhờ sự cần cù và không bao giờ từ bỏ của Vương Thủ Nghĩa. Khởi nghiệp ở tuổi 60, không ai nghĩ ông có thể thành công nhưng tất cả đã chứng minh ông có thể làm được, không những thế còn làm rất tốt.
Trong công việc kinh doanh, ông là một người rất nhạy bén và nghiêm túc. Để sản phẩm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, việc sở hữu được bí kíp gia truyền là chưa đủ. Bí quyết của Vương Thủ Nghĩa là nâng cao chất lượng sản phẩm, có sự đổi mới và bắt kịp xu hướng thị trường.
Vương Thủ Nghĩa đã đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, cảm quan, màu sắc và các khía cạnh khác của nguyên liệu. Đồng thời xây dựng quy trình sản xuất nghiêm ngặt để đảm bảo từ khâu nguyên liệu đầu vào, bảo quản, sản xuất, đóng gói và các khía cạnh khác. Từ đó, mỗi một sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là sản phẩm tốt nhất, khiến khách hàng yêu thích và gắn bó lâu dài với thương hiệu của ông.
Là người từng trải qua gian khổ, Vương Thủ Nghĩa thấm thía cái nghèo và trân quý những điều giản đơn nhất trong cuộc sống. Bởi vậy khi đã giàu có và trở thành tỷ phú, ông vẫn giữ nếp sống thanh đạm và giản dị ít ai có được. Hằng ngày, Vương Thủ Nghĩa luôn đi đôi giày vải cũ kỹ và chống gậy. Nhìn ông đơn giản đến mức nếu gặp ông cũng chẳng ai nhận ra đó là vị tỷ phú với khối tài sản khổng lồ.
Ngoài lối sống giản dị, Vương Thủ Nghĩa còn nổi tiếng là một ông chủ rất trân quý nhân viên của mình. Mỗi ngày, ông thường dậy thật sớm và đích thân đi chợ mua rau tươi và trái cây theo mùa đến công ty cho nhân viên. Khi nhân viên làm thêm giờ, ông cũng dặn đầu bếp phải đảm bảo cho nhân viên ăn đồ nóng, món nóng. Vào mùa hè, ông đích thân đi giao món chè đậu xanh giải khát mát lạnh cho nhân viên tiền trạm, mùa đông thì đưa cho họ giày bông và găng tay.
Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, Vương Thủ Nghĩa đã đưa ra chính sách chăm sóc đặc biệt cho nhân viên của mình. Ông cho biết: "Sự phát triển của công ty là thành quả lao động cũng như mồ hôi công sức của mỗi nhân viên. Số tiền tôi kiếm được không dành cho nhân viên thì để làm gì? Nhất định phải cho nhân viên được ăn ngon, mặc đẹp, nghỉ ngơi đầy đủ, tuyệt đối không thể để nhân viên của chúng ta chịu thiệt".
Không chỉ quan tâm với nhân viên của mình, ông cũng rất chăm làm từ thiện. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã quyên góp hơn 200 triệu NDT cho người nghèo. Năm 2003, Vương Thủ Nghĩa rời bỏ thế giới này, nhưng câu chuyện kinh doanh và tấm lòng nhân ái của ông vẫn được người đời ca tụng mãi cho đến ngày nay.
Ý kiến bạn đọc