Th.S Mai Thanh Hải: Làm gì để tăng sức hút phát huy văn hóa đọc học đường?

Thứ ba - 10/10/2023 21:25 0
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các kênh tin tức, giải trí phát triển mạnh mẽ, việc đọc sách đối với giới trẻ không còn là thói quen, mặc dù, lợi ích của việc đọc sách luôn được các thế hệ chia sẻ và khuyến khích. Việc phát triển văn hóa đọc học đường hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do. 

 

ThS. Mai Thanh Hải trình bày tham luận tại toạ đàm khoa học “Pháp luật về kinh doanh bất động sản & Du lịch nông nghiệp 4.0” ở tỉnh Đắk Lắk

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ThS. Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) khẳng định việc hình thành và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh. Theo đó, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng tâm hồn và lối sống lành mạnh cho học sinh. Mặc dù việc đọc sách luôn mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho việc phát triển cá nhân, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Thế nhưng, việc đọc sách hiện nay tại các trường học đang ngày một giảm sút, phải làm gì để khuyến khích trở lại…

ThS. Mai Thanh Hải, nhấn mạnh: “Nhà trường cần đưa sách về tủ sách của các lớp học, để các em thuận tiện tìm đọc vào mỗi giờ giải lao, mỗi khi tới lớp. ở đó, các em có thể được tìm kiếm các loại sách theo nhu cầu, hoặc có thể mượn về nhà. ở nhóm zalo thư viện, cô thủ thư sưu tầm các bản sách mềm để các em học sinh có thể vào đọc trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức khen thưởng những em ham đọc sách, nhớ và đọc nhiều đầu sách vào các tiết chào cờ. Nhà trường cũng cần tích cực phối hợp với Thư viện để tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm với nhiều hoạt đông sôi nổi, thiết thực. Đặc biệt, nhà trường nên tranh thủ sự hỗ trợ của Thư viện, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân để bổ sung vào tủ sách các lớp…”.

Mặc dù có sự đầu tư bài bản, đầy đủ nhưng không ít các thư viện và góc đọc sách tại các trường học luôn rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Một phần vì các đầu sách cũng không được bổ sung thêm phong phú, nhiều tài liệu cập nhật còn thiếu và kiến thức đã cũ khiến cho người đọc không còn hào hứng như trước. Bên cạnh đó, áp lực học tập và thời gian eo hẹp khiến nhiều người không chọn cách đọc sách làm công cụ học tập thường xuyên. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ luôn chọn đọc các kiến thức trên mạng và các diễn đàn, tham gia các buổi nói chuyện (talkshow), nghe voice/audio hơn là tự đọc, tự tìm nhiều tài liệu dài dòng và khó hiểu.

ThS. Mai Thanh Hải và ông Hồ Anh Phi – Chủ nhiệm HTX sâm và dược liệu Ngọc linh tại tỉnh Kon Tum chụp ảnh lưu niệm tại toạ đàm mới đây

ThS. Mai Thanh Hải cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh và toàn xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh, tạo động lực góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc. Bởi muốn phát triển văn hóa đọc, học sinh cần đầu tư thời gian, công sức, cùng với đó là sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của những người xung quanh để biết lựa chọn các loại sách phù hợp với mục tiêu học tập và sự phát triển nghề nghiệp bản thân.

Mặc dù vậy, học sinh hiện không chỉ eo hẹp về mặt thời gian mà còn rất nhiều nhiệm vụ khác cần hoàn thành như bài tập, dự án, học thêm, làm việc nhóm, chưa kể nhu cầu giải trí, tập luyện thể thao, phát triển kỹ năng… cũng gia tăng áp lực và làm giảm thời gian và động lực để đọc sách. Ngày nay nhiều người đồng tình rằng, văn hóa đọc không chỉ đơn giản dừng lại ở việc đọc sách, văn hóa đọc còn có thể áp dụng và phát triển tại trường học thông qua các kênh nghe/xem, tìm hiểu, nghiên cứu trên nhiều tài liệu, nhiều kênh thông tin khác nhau.

ThS. Mai Thanh Hải nhận định, công nghệ và truyền thông xã hội thực sự phát triển đã tạo nhiều cơ hội cho học sinh tiêu thụ nhiều nội dung trực tuyến hơn là sách giấy. Cũng vì điều này, việc đọc sách truyền thống cũng bị giảm sút.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông có số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Theo ThS. Mai Thanh Hải, nhấn mạnh: “Lấy sách là điểm xuất phát để có thể tự tin hơn trong con đường chinh phục tri thức mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với việc đọc sách. Văn hóa đọc đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ trên môi trường không gian mạng Internet.Thế nhưng, trên không gian mạng lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc những cuốn sách in hàm chứa trong đó tri thức và những giá trị văn hóa, ngôn ngữ to lớn của nhân loại trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, quá hấp dẫn như ngày nay. Không thể phũ nhận trên khônggian mạng Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu đọc xong các em còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu, hay chỉ như cơn gió thoảng qua? Các em có thể nghiên cứu, “nhâm nhi” từng câu, từng chữ mà tác giả gửi gắm vào đó không? Đối với học sinh chúng ta đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc và thường xuyên mà nếu thiếu nó sẽ rất khó có kiến thức đầy đủ để các em làm hành trang vững bước cho tương lai”.

Trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe – nhìn, việc đọc sách đã có nhiều thay đổi so với trước đây và đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe – nhìn. Các phương tiện truyền thông ngày càng đa sắc, nhất là các kênh giải trí rất hấp dẫn, thu hút thị hiếu học sinh. Nhà nhà wifi, người người smart phone. Các thiết bị điện tử và mạng xã hội…đang chiếm hết sự chú ý của lứa tuổi các em. Ngoài những công việc cần làm, các em lại say sưa với chiếc điện thoại. Sự say mê này khiến các em khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu giận, ít quan tâm đến thế giới xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển cả về mặt sinh lí, tâm lí,… Như vậy, sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube …khiến học sinh có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe – nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách trong học sinh. Học sinh đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn. Khi đọc các em có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động còn việc đọc trên sách in ngày càng giảm. Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách ở các em là rất quan trọng, ThS. Mai Thanh Hải chia sẻ.

Thực tế, có nhiều học sinh bằng cách này hay cách khác sẽ có đủ kiến thức và kỹ năng phát triển sau này chỉ bằng việc học đúng, học đủ các kiến thức trên lớp và các giáo trình. Bên cạnh đó, văn hóa đọc có thể hỗ trợ hiệu quả cũng như thúc đẩy việc học một cách mạnh mẽ hơn. Trong các trường học, việc đọc, tự tìm hiểu tài liệu, phát triển tư duy, sáng tạo từ kiến thức sách vở, tài liệu luôn được khuyến khích các bạn học sinh. Nhưng không phải học sinh nào cũng cảm thấy hứng thú trong việc đọc. ThS. Mai Thanh Hải khuyến nghị đầu tiên, việc làm gương của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh để từ đó giúp các em hình thành thói quen tìm hiểu, đọc sách và gia tăng kiến thức từ sách bổ trợ cho việc học chính khóa. Song song đó, các bậc phụ huynh và giáo viên cũng có thể khuyến khích việc đọc sách, đồng thời cung cấp các ví dụ bằng cách đọc và chia sẻ với học sinh, từ đó có thể phát triển văn hóa đọc dễ dàng hơn trong môi trường học đường. Đặc biệt, trường học có thể thực hiện các biện pháp như cung cấp thêm sách và tài liệu đọc, tạo ra môi trường thân thiện với việc đọc và khuyến khích sự tham gia của học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, việc thiết kế các chương trình đọc hấp dẫn và tạo ra cơ hội cho thảo luận và chia sẻ về sách có thể giúp thúc đẩy phát triển văn hóa đọc tại trường học.

Cũng theo ThS. Mai Thanh Hải nhận định, văn hóa đọc hiện đang được toàn xã hội quan tâm. Một trong những vấn để then chốt của giáo dục khai phóng, hướng tới năng lực tự học suốt đời của con người. Văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Phát triển văn hóa đọc là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức cho cả giáo viên và học sinh. Đây còn là một hành trình giúp cả giáo viên và học sinh tự khám phá chính mình, hướng đến những giá trị cao đẹp trong cuộc sống, phát triển nhân cách, bồi đắp tâm hồn, thắp sáng những ước mơ, lý tưởng cho người đọc. Sách không chỉ cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi mặt của đời sống mà nói theo Các Mác, sách còn giúp “con người sống người hơn”. Vì lẻ đó, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay.

ThS. Mai Thanh Hải và Phó CVP Viện IMRIC Nguyễn Thị Huyền cùng Viện trưởng Viện IRLIE Hoàng Thanh Quý; Phó CVP Viện IRLIE Hồ Vĩnh Chung chụp ảnh lưu niệm tại toạ đàm 

Dịp này, ThS. Mai Thanh Hải còn cho biết một trong những giải pháp hữu hiệu là sự khích lệ của thầy cô giáo, cha mẹ giao nhiệm vụ đọc sách cụ thể đối với mỗi học sinh trong khoảng thời gian cố định hàng ngày. Mọi thói quen tốt đều được hình thành từ việc nghiêm túc tập luyện và lập kế hoạch rõ ràng dành cho việc đọc. Mỗi ngày, thói quen sẽ được rèn luyện và trở nên tự nhiên hơn theo thời gian. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các thầy cô giáo và phụ huynh cũng có thể lựa chọn các loại sách phù hợp với sở thích của học sinh. Bắt đầu bằng việc chọn những cuốn sách về chủ đề hoặc thể loại được nhiều học sinh quan tâm. Điều này giúp các bạn cảm thấy thú vị và dễ dàng hơn để duy trì thói quen đọc.

Đồng thời, khuyến khích các mô hình câu lạc bộ đọc sách để các bạn học sinh được tự do tham gia cùng với bạn bè hoặc cộng đồng. Đây là cách tốt để học sinh có thể chia sẻ và thảo luận về những cuốn sách đã đọc, từ đó có thể tăng thêm kiến thức và ghi nhớ dễ dàng những ứng dụng và bài học rút ra từ sách. Việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng đọc sách hiện đại (online) hoặc thậm chí cả audio book cũng là xu hướng tất yếu để tạo hứng thú và sự thuận tiện cho học sinh. Đặc biệt, đối với các học sinh ở thành phố, có điều kiện sử dụng thiết bị như đầu đọc eBook hoặc ứng dụng đọc sách trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Qua đó, học sinh có thể tìm thấy sự tiện lợi và tiết kiệm không gian, thời gian mọi lúc, mọi nơi để đọc. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tạo nhiều không gian đọc thoải mái, tiện lợi với ánh sáng tốt và cơ sở vật chất phù hợp, thuận tiện giúp các bạn học sinh dễ dàng tiếp cận và tận hưởng việc đọc sách nơi học đường, ThS. Mai Thanh Hải cho biết thêm.

Với việc tăng cường giáo dục cho học sinh ngày nay hiểu được tầm quan trọng của sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị, nếu không đọc sẽ thiếu hụt đi rất nhiều, muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết và thành công thì không thể bỏ qua việc đọc sách. Trong suốt thời gian qua, nhiều tổ chức chính trị xã hội, nhiều trường trên khắp cả nước đã chú trọng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, các trường cũng đã từng bước lên kế hoạch và có những giải pháp, cách thức khá hiệu quả để mang sách đến gần hơn với học sinh, giúp các em hình thành thói quen đọc sách như một nhu cầu tự thân, một sở thích, niềm vui và khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình. Tuy nhiên làm thế nào để thật sự kích thích được niềm đam mê đọc sách của tất cả học sinh? Làm thế nào để quá trình đọc sách thực sự có hiệu quả lâu dài? Làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa đọc bền vững trong nhà trường…đó còn là những nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của nhà trường. Qua đó, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ không ngừng phối kết hợp với các cơ sở đào tạo, các trường tổ chức nhiều buổi toạ đàm chuyên sâu, xuất bản các ấn phẩm chia sẻ, nhận định của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực này…

Ảnh minh hoạ

Có thể nói, việc phát triển văn hóa đọc học đường là một thói quen tuyệt vời cần được đầu tư và khuyến khích hơn nữa. Đọc sách không chỉ để phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy, các học sinh còn có thể tìm được nhiều giải pháp, sự sáng tạo và lời khuyên hữu ích từ sách để áp dụng cho công việc, cuộc sống và tương lai sau này. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ then chốt và lâu dài, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường. Xã hội có phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu.

 

Thuỳ Duyên – Quang Huy

Theo: Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây