Phục dựng Khu Di tích Lăng Miếu Triệu Tường: “Sản phẩm văn hóa” mang tầm giá trị lịch sử

Thứ sáu - 28/07/2023 22:19 0
Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường Không chỉ là nơi “phát phúc” của vương triều Nguyễn, mà còn là nơi thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự tôn kính hướng về tổ tiên, nguồn cội của hoàng tộc. Nơi đây mang nét đẹp truyền thống văn hóa và vết dấu của những di tích, công trình kiến trúc in đậm dấu ấn vương triều vô cùng độc đáo.
Phục dựng Khu Di tích Lăng Miếu Triệu Tường: “Sản phẩm văn hóa” mang tầm giá trị lịch sử

Tìm về nơi phát tích vương triều Nguyễn

Mỗi một di tích lịch sử đều là dấu ấn về chặng đường Cách mạng đầy hào hùng của dân tộc. Dù trăm năm, ngàn năm thì lịch sử vẫn có những lý lẽ của riêng mình. Trong đó, vùng đất cổ Gia Miêu đặc biệt là nơi để thế hệ trẻ tìm hiểu về truyền thống của cha ông, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương.

Trở lại cội nguồn lịch sử sau khi nhất thống giang sơn, vua Gia Long trở về nơi phát tích Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) xây lăng, dựng miếu, làm đình để tưởng niệm tổ tông. Và, cho tới ngày nay, khu di tích lăng miếu Triệu Tường vẫn là nơi con cháu họ Nguyễn hướng về cội nguồn, hướng về vùng đất thiêng sinh người tài đức.

lang-mieu-trieu-tuong-1-1690546156.png

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường thuộc làng Gia Miêu – xã Hà Long.

Di tích lăng miếu Triệu Tường, hay còn gọi là Nguyên Miếu hay chùa Vua, là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1545, khi Nguyễn Kim mất, thi hài ông được đưa đến án tang tại núi Thiên Tôn. Năm 1803, vua Gia Long cho xây gần đó một miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và để thờ vọng Nguyễn Hoàng (1558-1613). Miếu được đặt tên là Nguyên miếu. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên.

Làng Gia Miêu trước kia thuộc huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) là quê hương gốc rể cội nguồn của Hòang tộc Nguyễn ở Thanh Hóa. Vì tính chất thiêng liêng đặc biệt ấy nên nhà Nguyễn gọi Gia Miêu là đất Quý Hương (tên Nôm gọi là Bái Đền), gọi huyện Tống Sơn là Quý Huyện. Khu di tích nầy có ba địa điểm nổi tiếng gồm Lăng Triệu Tường, miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu.

Giai đoạn sau năm 1975, do những quan điểm sai lầm thời bao cấp, Miếu Triệu Tường đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến nay, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đình làng Gia Miêu - Kiến trúc độc nhất vô nhị in đậm dấu ấn vương triều

Lắng lòng trong không gian thiêng của những di tích trầm mặc, nghe đâu đây như tiếng vọng về của lịch sử, cùng những chuyện xưa tích cũ gắn liền với câu chuyện của một dòng họ – một vương triều. Nơi đây đang tồn tại các di tích thuộc về vương triều Nguyễn, đó là đình Gia Miêu; nhà thờ họ Nguyễn, lăng Trường Nguyên, Nguyên miếu (miếu Triệu Tường) …

lang-mieu-trieu-tuong-3png-1690546253.jpg

Toàn cảnh Gia Miêu trước năm 1945 do người Pháp chụp từ trên cao.

Di tích đình làng Gia Miêu là một công trình kiến trúc gỗ cổ vô cùng giá trị, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1804, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường. Xưa kia, đình là nơi hội họp của các chức sắc trong huyện, phủ và là nơi để tuyển quân, luyện quân, cung cấp quân đội cho nhà Lê. Đồng thời cũng là nơi lễ, tế, hội họp của làng Gia Miêu.

Theo các nhà khoa học đã khẳng định, di tích lăng miếu Triệu Tường chính là Quốc miếu của nhà Nguyễn trên đất Thanh Hóa. Dấu tích khu Lăng miếu của hoàng tộc Nguyễn ở đất Gia Miêu có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kì, công phu bậc nhất so với các khu lăng mộ ở Việt Nam được biết đến. Theo đó, tổng thể kết cấu kiến trúc của di tích là “thành ngoài - miếu trong”: bên ngoài là lũy thành, hào nước, bên trong là tường bao xung quanh, lấy Nguyên miếu là trung tâm. Mặt bằng kiến trúc sau khi khai quật cũng khẳng định sự quy chuẩn, đăng đối giữa các công trình...

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đồng thuận cho rằng di tích Lăng miếu Triệu Tường của Hoàng tộc Nguyễn có nét tương đồng với Thế miếu ở kinh thành Huế. Nếu Thế miếu là nơi thờ các chúa và vua Nguyễn thì Lăng miếu Triệu Tường là khu vực thờ gốc tổ nhà Nguyễn ở đất cố hương. Và xét ở góc độ nào đó, khu di tích được xem là “nơi phát phúc” của Hoàng tộc Nguyễn. Do đó, trong suốt thời kỳ tồn tại của vương triều Nguyễn, khu di tích thường xuyên nhận được sự quan tâm đầu tư, tôn tạo, canh phòng nghiêm cẩn. Với sự chăm chút tâm huyết dành cho di tích ở đất cố hương, khu di tích được ví như “sản phẩm văn hóa” của vương triều, nơi hội tụ tinh hoa trên các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc trang trí, nghi lễ thờ cúng... đặc trưng của thời đại. Di tích với những dấu tích còn sót lại cũng phần nào phản ánh trình độ kỹ thuật và văn minh của cha ông ta thời Nguyễn.

lang-mieu-trieu-tuong-anh-3-1690547052.png

Toàn cảnh khu vực miếu Triệu Tường – Gia Miêu Ngoại Trang – trước 1945 do

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh phục chế màu từ ảnh đen trắng do người Pháp chụp – 2005.

Vẫn là những ngọn núi thấp thoai thoải, đồi cao xanh mướt với khung cảnh làng quê, chúng tôi ấn tượng bởi bức tranh toàn cảnh khu vực miếu Triệu Tường – Gia Miêu Ngoại Trang do Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh phục chế màu từ ảnh đen trắng của người Pháp chụp từ trước năm 1945. Ông cho biết, bản thân là người trong dòng tộc họ Nguyễn tại huế nên đã đến thăm và trao tặng lại nhà thờ Nguyễn Phước Tộc Gia Miêu – Hà Long bức ảnh mà đích thân mình kỳ công phục chế.

Dù trải qua biến cố lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nơi đây đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dấu tích về một thời hoàng kim của vùng cung vua phủ chúa vẫn còn mãi đó nhờ sự giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử của các thế hệ đi sau.

Phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử

Trong cuộc hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển các di sản của nhà Nguyễn Tại Hà Nội, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng toàn cảnh phục dựng lại một cách chân thực nhất toàn cảnh Gia Miêuqua tấm hình được treo tại hội thảo.

lang-mieu-trieu-tuong-5-1690546374.png

Bản phác thảo chi tiết về khu di tích lăng miếu Triệu Tường – Tác giả: Đinh Tân Trào.

Tìm đến thông tin của tác giả phục dựng lại bức ảnh này, anh Đinh Tân Trào là một người đang tham gia các hoạt động phục dựng tái sinh di sản bằng hình ảnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Trào cho biết: “Để phục dựng lại bức ảnh này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bản thân là con em được sinh ra và lớn lên tại địa phương nên chỉ biết khu lăng miếu qua lời kể của các cụ mô tả lại, rồi chiến tranh tàn phá và theo dòng thời gian trôi lăng miếu đã không còn dáng vẻ ban đầu nữa. Mọi hình ảnh về khu lăng miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn cũng chỉ mơ hồ qua lời kể của các cụ ngày xưa để lại. Rồi cho đến khi thấy được bức hình do anh Vĩnh Khánh trao tặng lại quê hương mới phục dựng nhằm tôn tạo và khôi phục lại lăng miếu đem lại cái nhìn thực tế nhất. Và bản thân anh cũng là một trong những người đầu tiên tại đất quý hương hà long địa linh nhân kiệt được thấy bức hình này”.

 

lang-mieu-trieu-tuong-6-1690546515.png

Bản phác thảo chi tiết về khu di tích lăng miếu Triệu Tường – Tác giả: Đinh Tân Trào.

Mặc dù xã hội phát triển, khu lăng miếu cũng được phục dựng và xây dựng lại trên nền móng cũ, nhưng vì thời gian và không gian có nhiều thay đổi nên bản thân luôn có nguyện vọng phải làm sao phục dựng lại được tấm hình đen trắng và tấm hình phục dựng màu của ông Vĩnh Khánh. Với thời đại công nghệ số, xã hội phát triển và công nghệ hình ảnh ngày càng tân tiến, tôi không ngại tìm tòi, học hỏi và dành nhiều tâm huyết để phác thảo, phục dựng lại nguyên trạng toàn cảnh lăng miếu một cách chân thực nhất.

lang-mieu-trieu-tuong-7-1690546566.png

Ảnh Lăng Miếu Triệu Tường được phục dựng lên màu của tác giả Đinh Tân Trào tháng 07 năm 2023.

Với mong muốn cống hiến cho quê hương, nơi mảnh đất quý hương địa linh nhân kiệt, nơi có di sản lưu truyền lại phát tích của nhà Nguyễn tại địa phương, anh đã không ngại bỏ công sức phục dựng lại bức ảnh với màu sắc rõ nét nhất để quảng bá hình ảnh di sản của địa phương khu di tích quốc gia Lăng Miếu Triệu Tường một cách chân thực nhất.

z4557125094156 f077e32c877b81d7fcbefc0019b53f2d

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, Anh Trào cho hay: “Chúng ta, những bạn trẻ bây giờ được sống trong cuộc cách mạng công nghệ số, hãy dành thời gian của mình để tìm hiểu lịch sử địa phương, đồng thời học hỏi, hội nhập cách mạng công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và tâm huyết của mình để làm những việc có ý nghĩa góp phần cống hiến cho quê hương đất nước trong công tác bảo tồn tái sinh các hình ảnh di sản, khu di tích lịch sử …”.

Thùy Huyền

Nguồn tin: http://baovanhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây