Làm thêm, tham gia CLB hay thành tích nghiên cứu khoa học được đánh giá cao hơn khi đi xin việc?

Thứ ba - 16/01/2024 02:45 0
Làm sao để có CV (Curriculum Vitae) ấn tượng khi chưa có kinh nghiệm và điểm số không cao? Sinh viên nên đi làm thêm, tham gia CLB hay nghiên cứu khoa học để gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng?… là các câu hỏi được quan tâm thảo luận trong chuyên đề “Nghệ thuật Sell Yourself”.

Nếu như thế hệ 8x biết Tiếng Anh được xem là “nhân tài”, thì Gen Z ngày nay chỉ xem Tiếng Anh là phương tiện với nhiều chứng chỉ Ielts, Toeic “khủng”. Nếu như thế hệ 9x biết Microsoft Office được xem là lợi thế, thì Gen Z chỉ xem Word, Excel, Powerpoint,… là công cụ căn bản nhất. Trong thời đại của sự cạnh tranh gay gắt và môi trường tuyển dụng không ngừng biến đổi như hiện nay, việc xây dựng và phát triển bản thân không chỉ là kỹ năng mà còn là “nghệ thuật”. Làm sao để nổi bật và tỏa sáng trong hàng triệu ứng viên? Làm thế nào để tự quảng bá bản thân và điểm mạnh của mình chỉ trên một trang giấy? Chính vì sự cấp thiết đó, vừa qua Học viện Kỹ năng VTALK thông qua dự án phi lợi nhuận Hành trình Khởi lửa Hành trang (SFVN), cùng sự đồng hành của Không gian Khởi nghiệp Phú Nhuận (PNIC) đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề “Nghệ thuật Sell Yourself” dành cho sinh viên.

Ông Trần Quốc Tú chia sẻ cho sinh viên chuyên đề “Nghệ thuật Sell Yourself”

Được biết ông Trần Quốc Tú – Diễn giả khách mời của chương trình hiện đang là Giám đốc Tài chính của một chuỗi nhà hàng F&B tại TP.HCM với hơn 15 chi nhánh. Ông còn lại cựu CFO của Tập đoàn Mylife (Tập đoàn với nhiều thương hiệu từ F&B đến Thiết kế nội thất, Nhập khẩu bán lẻ như: Yen Sushi Premium, Iwa Japanese Yakiniku, Shamoji Robata Yaki, Yen Sushi & Sake Pub, Genshi Yaki, Kohi Coffee, Mylife Coffee, Mylife Bistro, The Art Interior, Galaxy ID Design & Build, Yen Market); Ex-Finance Manager của các Tập đoàn hàng đầu như Grab Việt Nam, Vietjet Air, Enerfo & FKS group; một trong những cựu Kế toán trưởng trẻ nhất ngành Hàng không Việt Nam và là một trong những người “hiếm hoi” tại Việt Nam có kinh nghiệm trong các lĩnh vực IPO (cả sàn chứng khoán Mỹ và Việt Nam); có kinh nghiệm trong lĩnh vực Fintech, gọi vốn, Airline, Ecommerce, FMCG, Trading, F&B,…

Theo ông Trần Quốc Tú, “vốn liếng” quý nhất của các bạn sinh viên hiện nay khi chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm và điểm số không quá cao chính là “thái độ”. Trong môi trường tuyển dụng, thái độ luôn là yếu tố được đưa lên đánh giá hàng đầu. Ngày càng nhiều các tranh cãi xảy ra xung quanh việc thái độ của các bạn trẻ (đặc biệt là Gen Z) mang tính “bất cần”, thách thức và cách biệt văn hóa với môi trường công sở. Đây cũng là một trong các yếu tố đang được các nhà tuyển dụng đề cao, đặc biệt là trong thời đại mà tiếng Anh gần như đã trở thành ngôn ngữ bắt buộc, không còn mang tính cạnh tranh. Tuy nhiên, do thái độ là thứ rất khó đo lường và cần thời gian dài đánh giá, vì vậy “Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết trình là một trong những kỹ năng bắt buộc, kỹ năng xu thế của tương lai. Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết trình không chỉ giúp các HR dễ đánh giá về sự khác biệt, thái độ của ứng viên, mà còn là kỹ năng cốt lõi của các hoạt động như làm việc nhóm, báo cáo, phản biện; là nền tảng để đánh giá đội ngũ kế thừa cho doanh nghiệp trong tương lai” – ông Trần Quốc Tú nhận định.

Các bạn Sinh viên chủ động đặt câu hỏi và chăm chú ghi chép các kiến thức

Trả lời cho câu hỏi: “Sinh viên nên đi làm thêm, tham gia CLB hay Nghiên cứu khoa học để gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng?”, ông Trần Quốc Tú cho biết, tùy vào đặc thù mỗi ngành mà các tiêu chí trên được chú trọng khác nhau. Ví dụ các ngành liên quan đến Tài chính, Pháp chế doanh nghiệp, Kế toán với sự đòi hỏi về độ chính xác cao thì thành tích về Nghiên cứu khoa học sẽ không được đánh giá quá cao, thay vào đó nên đầu tư thêm về các kiến thức kinh doanh, kinh tế. Ngược lại, các ngành như Kỹ thuật, Fintech, Social, PR, Nhân sự… lại rất xem trọng các CV có nghiên cứu khoa học; các ngành như Giáo dục, Tổ chức sự kiện lại đánh giá cao các hoạt động đoàn thể, CLB. Và mục tiêu đi làm thêm của các bạn sinh viên “tuyệt đối” không nên vì đồng tiền. Nhiều bạn trẻ hiện nay ngộ nhận rằng chạy Grab cũng giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp, tự tạo áp lực cho bản thân, học hỏi từ khách hàng… là hết sức tai hại. “Đó là “cơm, áo, gạo, tiền”, không phải áp lực. Em thích thì mở app em chạy, không thích thì tắt app, không ai làm gì được em! Anh từng làm trong Grab Việt Nam và biết rằng có những phân tích chỉ ra khách hàng thu nhập cao thường ít muốn giao tiếp, thậm chí còn có nút yêu cầu tài xế không trò chuyện quá nhiều. Giao tiếp ở đây phải xét đến việc giao tiếp xử lý tình huống giữa bản thân với sếp, giao tiếp trong môi trường công sở, giao tiếp với khách hàng,…” – ông Trần Quốc Tú nhấn mạnh.

Đại diện Học viện Kỹ năng VTALK tặng thư cảm ơn và chụp hình lưu niệm cùng Diễn giả

Bên cạnh những kiến thức về tuyển dụng, ông Trần Quốc Tú cũng trực tiếp chia sẻ CV bản thân và hướng dẫn các bạn sinh viên cách tạo điểm nhấn trong CV của chính mình. Ông Trần Quốc Tú cho biết CV chỉ nên được gói gọn trong 1 trang giấy và quan trọng nhất là phải ghi rõ được thành tích “cụ thể” của bản thân dưới mỗi kinh nghiệm việc làm. Nhiều bạn trẻ hay ghi dạng liệt kê công việc, hoạt động chung chung mà không có thành tựu cụ thể sau mỗi hoạt động đó. Ví dụ Nếu bán hàng thì cần ghi rõ doanh số đạt được bao nhiêu? Nếu có kinh nghiệm marketing thì cụ thể mang lại các chỉ số như thế nào. Hoặc nếu chưa có thành tích cụ thể, CV cũng nên ghi rõ mình làm vai trò gì trong kinh nghiệm đó, tính không thay thế được của bản thân là gì.

Theo bạn Võ Quốc Trọng – Sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng tham dự buổi hội thảo chia sẻ: “Những phân tích từ diễn giả thật sự rất hữu ích và cần thiết cho sinh viên năm nhất như em, giúp em có cách tiếp cận thực tế hơn dưới góc nhìn nhà tuyển dụng, qua đó giúp bản thân em biết mình cần tập trung vào những kỹ năng nào ngoài những kiến thức trên lớp, bắt đầu làm thêm từ đâu và tự chuẩn bị cho mình một CV hoàn chỉnh ngay từ bây giờ. Cảm ơn Học viện Kỹ năng VTALK và Hành trình Khởi lửa Hành trang đã tổ chức một hội thảo hết sức ý nghĩa!”.

Chia sẻ với chúng tôi, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng những năm qua, nhằm đáp ứng nhân lực cho đất nước trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mặc dù, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao nhờ khả năng ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn tốt, khả năng thích ứng với các công việc thực tế caoNền kinh tế Việt Nam đã và đang thay đổi, kéo theo sự thay đổi của thị trường lao động. Qua đó, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp sẽ dần dần mất lợi thế cạnh tranh. Một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị đào thải, được thay thế bởi người có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Do vậy, để gia nhập vào thị trường lao động vô cùng khắc nghiệt, các bạn trẻ cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp đúng đắn. Đồng thời, vẫn còn rất nhiều cơ hội khác để các bạn trẻ nâng cao kỹ năng cho bản thân ngoài các CLB, nên tham gia hoạt động tình nguyện do Đoàn – Hội tổ chức. Từ đó, hỗ trợ các bạn trẻ hình thành và phát triển các kỹ năng mềm, mở rộng các mối quan hệ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi như các bạn kỳ vọng.

Trúc My – Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây