Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cùng 9 bị can liên quan đến 2 vụ sai phạm trong chuyển nhượng đất công.
Cụ thể, Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích hơn 32ha. Tháng 8/2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75:25, hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án. Công ty Tân Thuận sau đó thống nhất đơn giá hợp tác với Quốc Cường Gia Lai là 1,95 triệu đồng/m2, theo tỷ lệ 30 - 70%.
Ngày 5/6/2017, ông Trần Công Thiện, đại diện Công ty Tân Thuận ký hợp đồng số 203 và 3 phụ lục kèm theo, chuyển quyền sử dụng gần 325.000m2 đất trị giá 419 tỷ đồng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm đại diện), với giá 1,29 triệu đồng/m2.
Cáo trạng nêu, việc chuyển nhượng này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền hơn 202 tỷ đồng.
Dự án còn lại có tổng diện tích 269.229m2, được chia thành 4 khu, có tên là Dự án Khu dân cư ven sông phường Tân Phong, Quận 7. Năm 2008, Khu đất số 4, diện tích hơn 3ha, được Công ty Tân Thuận ký hợp đồng với Công ty Hoàng Anh Gia Lai, theo tỷ lệ 55:45 để đầu tư xây dựng dự án khu cao ốc căn hộ - thương mại.
Sau này, 45% vốn góp của Hoàng Anh Gia Lai được chuyển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai vào cuối 2015. Đến ngày 23/11/2017, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6171 chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng một phần dự án, theo đề nghị của hai công ty.
Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận ký Hợp đồng số 271 với Công ty Quốc Cường Gia Lai, với giá chuyển nhượng là 20 triệu đồng/m2. Vụ chuyển nhượng kết thúc, cơ quan điều tra xác định Nhà nước thiệt hại hơn 532 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ qua hai dự án trên, ngân sách Nhà nước đã thiệt hại hơn 730 tỷ đồng.
Sự mất mát lớn hơn là hàng loạt cán bộ cấp cao của TP.HCM dính vào vòng lao lý, trong khi bên hưởng lợi chưa được xác định rõ.
Do đó cần tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân thuộc UBND TP.HCM trong việc ban hành các quyết định, trách nhiệm của Công ty Quốc Cường Gia Lai khi nhận chuyển nhượng 2 dự án Phước Kiển và Ven Sông, tách riêng hành vi để xem xét xử lý.
Trước đó, tháng 8/2021, cơ quan điều tra đã làm việc với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai. Kết luận vào thời điểm đó là việc nhận chuyển nhượng của Quốc Cường Gia Lai là đúng pháp luật và không có cơ sở xử lý hình sự đối với bà Loan.
Tuy nhiên, sau gần một năm mở rộng điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị bổ sung 5 vấn đề. Trong đó, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm công ty này và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển hồi tháng 5/2018, cũng như thời điểm hai công ty ký chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông vào tháng 11/2017.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án. Đồng thời làm rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án để xác định trách nhiệm dân sự của từng cá nhân liên quan đến hậu quả cuối cùng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.
Theo cáo trạng, do vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngày 19/4/2022, cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định việc chấp hành các quy định pháp luật khi chuyển nhượng hai dự án. Song đến nay chưa có kết quả.
Tình trạng đất công bị bán rẻ hoặc sử dụng sai mục đích xảy ra khá phổ biến trên cả nước. Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống kê, rằng hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo, xin ý kiến các Bộ, ban, ngành liên quan. Sau những vụ việc rúng động về sai phạm trong quản lý đất đai, người dân kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc