Tham dự buổi hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã cho biết: "Trong những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phát triển đã hỗ trợ đắc lực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới".
"Thông qua các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành hàng nông nghiệp vào hội nhập kinh tế quốc tế. Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đơn vị trong toàn tỉnh đã trình bày những kế hoạch và công tác hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Như Hội Nông dân huyện Xuân Lộc với tham luận để nói về vai trò tiên phong của Hội nông dân trong hỗ trợ và vận động các hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Điển hình là hội viên nông dân Trương Văn Mỹ ngụ tại ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, là UV BCH HND huyện, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, bản thân ông đã đứng ra vận động hội viên tham gia xây dựng Hợp tác xã, đồng thời kí kết cung ứng cho nhiều công ty thu mua ca cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn mỗi năm.
Hợp tác xã Ca cao Suối Cát được thành lập vào ngày 26/6/2020, gồm 22 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 21,2 hecta Ca cao. Sau 1 năm hỗ trợ thì hiện nay Hợp tác xã Ca cao Suối Cát đã hình thành được vùng nguyên liệu với tổng diện tích trên 70 hecta. Với quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Vietgap nên sản phẩm trái ca cao của hợp tác xã được nhiều công ty thu mua đánh giá cao về năng suất và chất lượng. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho các thành viên của Hợp tác xã, đến nay, Hợp tác xã đã trang bị hệ thống máy móc để chế biến sâu thành các sản phẩm kẹo, thức uống từ hạt ca cao. Đồng thời còn mở rộng và hướng dẫn cho các địa phương khác học tập và làm theo mô hình này đêm lại hiểu quả cao.
Ngoài sản xuất, việc liên kết với tiêu thụ sản phẩm cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Như tại huyện Trảng Bom đang phát triển về mô hình nông sản sạch từ liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với những thuận lợi như đã tác động sâu rộng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của đại bộ phận nông dân; các cơ quan chức năng đã tạo những cơ chế sát hơn về sản xuất nông nghiệp.
Về chiến lược lâu dài, Đảng và Nhà nước đã tích cực trong việc ký kết các Hiệp định về thương mại, từ đó thị trường ngày càng rộng hơn. Bên cạnh đó, nông dân không còn sản xuất nhỏ, lẻ mà dần sản xuất theo hướng hàng hóa lớn mang tính vùng nguyên liệu. Tuy nhiên còn nhiều mặt hạn chế nhưng nông dân hiện nay vẫn sản xuất mang tính tự phát, thiếu thông tin thị trường, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, bản thân người nông dân hiện tại chưa sản xuất theo thị trường, mà chỉ sản xuất theo cách của mình, nên nông sản làm ra khó đáp ứng yêu cầu thị trường, nên hợp tác xã hiện rất khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ nông sản, mặc dù hợp tác xã có đơn hàng số lượng lớn.
Các hợp tác xã vẫn thiếu hợp tác quan tâm và chăm sóc lẫn nhau nên dễ dẫn đến tình trạng hạ giá thành, chứ không tìm cách giảm chi phí, nâng cao chất lượng để cùng cạnh tranh. Thậm chí còn mua nông sản đạt và không đạt để bán cho cùng một nhóm hàng, dẫn đến mất uy tín, mất dần thương hiệu của ngay chính các hợp tác xã, hoặc công ty xuất nhập khẩu nông sản.
Kết luận tại buổi hội thảo, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở thu mua, chế biến nông sản, các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, các trang trại... trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo hướng ổn định, lâu dài.
Trong đó, các doanh nghiệp thương mại giữ vai trò định hướng thị trường trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Các mô hình kinh tế tập thể phát huy vai trò khâu trung gian trong chuỗi liên kết, cung cấp nguồn nguyên liệu và trực tiếp thực hiện cung ứng đầu vào, đầu ra cho hội viên, nông dân.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thành phố có kế hoạch sớm phối hợp triển khai vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác các chi, tổ hội nghề nghiệp với doanh nghiệp tại địa phương liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, xây dựng cũng cố và phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc