Trong giai đoạn tố tụng hình sự để xác định bị can có phạm tội hay không, cơ quan chức năng ngoài việc xem xét những yếu tố cấu thành tội phạm thì điều đặc biệt quan trọng và không thể thiếu đó là nguồn chứng cứ. Bởi Chứng cứ phải là “những gì có thật, tồn tại khách quan và được thu thập một cách hợp pháp”. Vậy nguồn chứng cứ là như thế nào, có bao nhiêu nguồn chứng cứ và thế nào được xem là hợp pháp để lấy làm trong những cơ sở khởi tố, định tội bị can và nghĩa vụ phải “chứng minh” tội phạm của cơ quan tố tụng ra sao?
Luật gia Nguyễn Đức Hải, Tư vấn viên Pháp luật – Trung tâm tư vấn Pháp luật tại TP.HCM chia sẻ một số thông tin về nội dung chủ đề này như sau:
(Hình minh họa) - Bà Nguyễn Phương Hằng vừa qua đã tố cáo nhiều nghệ sĩ về hành vi "biển thủ" tiền từ thiện, ngược lại các nghệ sĩ tố cáo bà Hằng về tội Vu khống và các hành vi khác...
Nguồn chứng cứ có bao nhiêu nguồn?
Về khái niệm, nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Căn cứ theo quy định pháp luật tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, chứng cứ sẽ được thu thập, xác định từ các nguồn như: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác. Và theo khoản 2 của điều 87 thì: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Vậy Chứng cứ là gì, hiểu như thế nào?
Chứng cứ là “những gì có thật, tồn tại khách quan và được thu thập một cách hợp pháp”. Điều 86, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Vì vậy, việc thu thập chứng cứ và tổng hợp đánh giá các chứng cứ của những cơ quan tiến hành tố tụng là nhằm chứng minh một con người hay pháp nhân đó có thực hiện hành vi phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? quy định tại điều nào, điểm nào, khoản nào trong Bộ luật hình sự hiện hành ? Nhân thân của bị can; tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra như thế nào; có hay không các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự…Vì vậy, khi nghiên cứu đánh giá chứng cứ để xem xét phê chuẩn hoặc ra quyết định hủy bỏ các quyết định khởi tố bị can trong các vụ án hình sự (Điều tra viên, Kiểm sát viên..) cần nắm chắc các dấu hiệu pháp lý và những “yếu tố cấu thành tội phạm, những đặc điểm hình sự và phương thức thủ đoạn của tội phạm” như thế nào…(?)
Khi tiếp nhận hồ sơ, tùy theo tính chất vụ việc mà cơ quan có chức năng phải có những nghiên cứu, đánh giá từng “nguồn chứng cứ” khác khau thể hiện trong hồ sơ vụ án như: Đơn tố giác tội phạm; lời khai của bị can; người bị hại, người làm chứng, người liên quan; vật chứng thu giữ; kết luận giám định; biên bản nhận dạng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án…Nhằm để có phương pháp đánh giá chứng cứ một cách khoa học và đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ, tổng hợp được “đúng và đủ’’ chứng cứ để có thể ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp trên thực tế cho dù bị can đã nhận tội nhưng không thể coi đó là “chứng cứ” buộc tội - nếu lời nhận tội (nguồn chứng cứ) của bị can này không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Điều này được căn cứ vào khoản 2, Điều 98 BLTTHS 2015 đã quy định “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Theo quy định thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau:
-Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra.
- Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này.
- Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự thủ tục do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.
Để bảo đảm tính khách quan, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 tại Điều 13 quy định về “Suy đoán vô tội”: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nghĩa vụ chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng ra sao?
Theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015, việc xác định sự thật của vụ án thì: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, cũng như những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Để xác định một tội phạm hình sự cần phải có đầy đủ 4 “dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm hình sự” như: Mặt Khách thể của tội phạm, Mặt khách quan của tôi phạm, Mặt chủ quan của tôi phạm, Mặt chủ thể của tội phạm
- Yếu tố khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ mà bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Chẳng hạn như phạm tội gây thương tích cho người khác tức là đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe của nạn nhân. Khách thể tội phạm có 3 loại: khách thế chung của tội phạm, khách thể loại của tội phạm và khách thể trực tiếp của tội phạm.
- Yếu tố chủ thể của tội phạm là người gây ra những hành vi phạm tội có đủ năng lực, trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi quy định theo quy định của Pháp luật để chịu trách nhiệm về hành vi mà mình đã gây ra. Ví dụ như: người đủ 18 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các tội gây hại nghiêm trọng và nghiêm trọng.
- Yếu tố khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của người phạm tội như: hành vi gây nguy hiểm cho xã hội; hậu quả cũng như tác hại của hành vi tội phạm gây ra; địa điểm, thời gian, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội,.... Chẳng hạn như tội phá hoại tài sản công cộng được biểu hiện bởi hành vi khách quan là tội phạm dùng vũ lực để phá hỏng tài sản công cộng và có hậu quả khách quan là thiệt hại về vật chất đối với tài sản bị phá hoại.
- Yếu tố chủ quan của tội phạm là những biểu hiện bên trong của người thực hiện hành vi phạm tội như: thái độ, tâm lí khi phạm tội; động cơ, mục đích phạm tội,.... Ví dụ: tội phạm cố ý phạm tội là những người thấy rõ được hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra và muốn hậu quả đó xảy ra.
Để đưa ra kết luận cho hành vi mà một người đã thực hiện có phạm tội và trở thành tội phạm hay không thì hành vi đó phải thỏa mãn tất cả các yếu tố và dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi đó không thỏa mãn tất cả các yếu tố và dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm thì không phải là hành vi phạm tội và người gây ra hành vi đó cũng không phải là tội phạm. Ví dụ: Bệnh nhân gây án khi đang mắc bệnh tâm thần, những người này không thấy rõ được hậu quả do hành vi vi phạm cũng như không chủ tâm mong muốn hậu quả đó xảy ra. Do đó yếu tố chủ quan không được thành lập và họ cũng không phải là tội phạm. Người này không phải chịu trách nhiệm hình sự mà sẽ bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các cấu thành tội phạm nói trên còn những dấu hiệu khác “tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm”, nhưng có thể là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể (khác). Vì vậy, đây là những vấn đề cơ bản mà cơ quan chức năng cần phải chứng minh trong một vụ án hình sự.
Ngoài ra, những dấu hiệu cấu thành tội phạm, trên cơ sở, căn cứ để quyết định hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam, những vấn đề phải chứng minh còn có: Những tình tiết về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; những tình tiết về nhân thân người phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự…
Khi điều tra, truy tố, xét xử phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã được thực hiện, phải làm rõ những nội dung như sau:
- Có hành vi (hành động hay không hành động) nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không?
- Tội phạm được thực hiện dưới hình thức gì (một người, nhiều người thực hiện nhưng không có đồng phạm, đồng phạm hay phạm tội có tổ chức)?
- Hình thức lỗi, mức độ lỗi, mục đích, động cơ phạm tội…?
- Giai đoạn thực hiện tội phạm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành?
- Thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm?
- Tính chất, mức độ hậu quả nguy hiểm cho xã hội do tội phạm gây ra?
(Hình minh họa)
Tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định - chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm: Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ như: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú. Hiện có 04 cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố là: Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Hội đồng xét xử; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (theo Điều 153 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Theo đó, giai đoạn khởi tố bị can được thực hiện theo trình tự sau: Sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra vụ án. Từ đó, nếu có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị bị can. Quyết định khởi tố bị can phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra (Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015); có 03 cơ quan có thể ra quyết định khỏi tố bị can: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát và qua 02 giai đoạn có thể khởi tố bị can: Giai đoạn điều tra; Giai đoạn truy tố (Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Khởi tố bị can không phải là giai đoạn tố tụng mà chỉ là hành vi tố tụng ở giai đoạn điều tra của người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can; khi đã xác định được một người cụ thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự, cần phải tiến hành các hoạt động điều tra đối với họ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Nguồn: Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM
Ý kiến bạn đọc