Điều đáng nói là các cơ quan Tòa án nhiều nơi lại không xem xét đầy đủ các chứng cứ hợp pháp, đủ điều kiện của nguyên đơn, nhưng vẫn xét xử, nhiều trường hợp chứng cứ, tài liệu không đủ cơ sở để giải quyết nhưng tòa án vẫn chấp nhận thụ lý và xét xử, dẫn đến tài sản của người dân đang là sở hữu hợp pháp nhưng lại bị ngăn chặn giao dịch theo yêu cầu của nguyên đơn. Và trường hợp được nêu sau đây là như vậy.
Đất được hai bên làm giấy tờ chuyển nhượng từ năm 1975. Suốt thời gian dài hàng chục năm, người đứng ra chuyển nhượng - (cùng 03 người đồng sở hữu) cũng không hề xảy ra tranh chấp, khiếu kiện gì với nhau. Bên nhận chuyển nhượng cùng gia đình sinh sống ổn định tại đó và được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ năm 1998. Bỗng nhiên gần 30 năm sau, 01 người trong 04 người chuyển nhượng đất khi xưa quay lại kiện đòi lại đất khi đã hoàn tất việc sang nhượng trước đó hàng chục năm.
Bà Đỗ Thị Liễu – Chủ sở hữu hợp pháp khu đất ở Đc:951/3D,Kp.3. An Phú Đông, Q.12, TP.HCM
Theo hồ sơ vụ việc, vào ngày 06/11/1975, ông Lê Công Hoán, Lê Công Tường, bà Nguyễn Thị Bông và ông Nguyễn Văn Chơn cùng ký tên vào “Tờ nhượng đất canh tác vĩnh viễn” cho ông Lương Minh Nhơn 6.000m2 đất nông nghiệp (vị trí đất ở xã An Phú, huyện Hóc Môn, nay thuộc phường An Phú Đông, Q.12, TP.HCM, nguồn gốc đất của ông Lê Công Nhu chuyển quyền thừa kế). Sau khi nhận đất, ông Lương Minh Nhơn đã canh tác, sinh sống ổn định trên mảnh đất này và có kê khai đăng ký ruộng đất theo chỉ thị 299/TTg (năm 1980) của Thủ tướng chính phủ. Tiếp những năm sau ông Lương Minh Nhơn mua thêm một số đất từ những người khác nữa để canh tác. Đến năm 1998, ông Nhơn làm thủ tục xin cấp sổ và được UBND huyện Hóc Môn cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tổng diện tích cho 02 giấy chứng nhận là 7721m2, gồm 01 giấy chứng nhận có diện tích: 3065m2 - số thửa 446, và giấy chứng nhận khác có diện tích là 4.656 m2- số thửa 444, 445).
Đến năm 2000, ông Lương Minh Nhơn mất và để là di sản cho vợ bà Đỗ Thị Liễu và các con. Theo hồ sơ từ TAND quận 12 thể hiện thì vào ngày 15/8/2003, ông Nguyễn Văn Chơn - một trong 04 người ký giấy nhượng đất khi xưa (ủy quyền cho bà Võ Thị Lan) làm đơn khởi kiện bà Đỗ Thị Liễu ra TAND quận 12 và được tòa thụ lý giải quyết. Sau khi các bên cung cấp chứng cứ và nhiều lần hòa giải không thành, đến ngày 18/10/2018 (sau 15 năm), TAND Quận 12 mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên tại bản án sơ thẩm này đã tuyên bên nhượng đất (là nguyên đơn) thắng kiện! Bản án này đã khiến bị đơn bức xúc và dư luận có khá nhiều băn khoăn về những tình tiết, chứng cứ xung quanh vụ việc.
Bà Đỗ Thị Liễu bức xúc cho rằng, Bản án sơ thẩm (số 918/2018/DS-ST) của TAND quận 12 đã “xử ép” bà (bản án này mới đây đã bị TAND TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án). Bà Liễu cho rằng tòa án đã chưa xem xét đầy đủ về điều kiện, chứng cứ hợp pháp, bản án bộc lộ khá nhiều điều bất cập như: Dựa trên lời khai thiếu cơ sở của ông Lê Công Tường (người cùng đứng tên trong 4 người bán đất cho ông Nhơn khi ấy) cho rằng: “Khi sang nhượng đất chỉ có ông Tường và ông Nhơn, không có ông Chơn”. Tuy nhiên với cái nhìn thực tế khách quan, nếu thật sự ông Nguyễn Văn Chơn không có giao dịch (hoặc bị lừa dối), thì khi thấy người khác ở trên đất của mình tại sao ông này và gia đình không đi kiện ông Nhơn ngay lúc đó mà lại để đến 28 năm sau, lúc ông Nhơn đã mất thì mới ủy quyền cho người khác khởi kiện đòi lại đất? Đây là những điều hết sức phi lý.
Khu nhà đất mà Bà Liễu đang sử dụng ổn định trên 40 năm, đã được cấp sổ từ năm 1998, bỗng nhiên bị dính vào vụ kiện tụng, tranh chấp theo kiểu “trên trời rơi xuống”!
Chưa hết, ở phần “Về quan hệ tranh chấp…”, khi nguyên đơn tranh chấp với bị đơn về quyền sử dụng đất số 02779/QSDĐ/Q12/2001 (diện tích: 3065m2, đã biến động do chuyển nhượng 435m2 và 272.7m2 về chuyển mục đích đất ở), trong khi trên thực tế bị đơn là vợ chồng ông Lương Minh Nhơn có tổng diện tích đất là 7721m2, bao gồm 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 03 thửa đất khác nhau và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) từ năm 1998. Như vậy, tại sao tòa án không xem xét nguyên đơn dựa trên cơ sở nào mà lại tranh chấp với bị đơn về quyền sử dụng đất số 02779 - có diện tích 3065m2 (lô đất này ở vị trí mặt tiền đường Quốc lộ 1) mà lại không phải là những thửa đất khác của ông Nhơn cùng chung một vị trí?
Điều đáng nói là, TAND Quận 12 đã căn cứ vào lời khai và Thẻ căn cước từ năm 1969 của chính quyền chế độ cũ Sài Gòn cấp cho ông Chơn, để xác định ông này bị mù mắt và là “Người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” (theo điều 23 - Luật Dân sự 2015), và cho rằng ông Chơn không đủ năng lực hành vi để thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất? Như vậy Tòa án cần phải xem xét các văn bản của cơ quan có chức năng kết luận về “giám định pháp y” tại thời điểm giao dịch chuyển nhượng (năm 1975) với đủ cơ sở để nhận định. Vậy, liệu chỉ căn cứ vào Thẻ căn cước và lời khai nêu trên thì có đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ hợp pháp để cho rằng ông Chơn là “Người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”, hạn chế năng lực hành vi dân sự ?
Được biết vừa qua, ngày 24/4/2019 TAND TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trước đó của TAND quận 12. Đến ngày 12/9/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị theo theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Hiện nay dư luận ở địa phương đang rất quan tâm về vụ án, người dân đang mong rằng Ủy ban thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao sẽ công tâm xem xét lại toàn diện vụ án, dựa trên những quy định của pháp luật để làm rõ những cơ sở pháp luật, chứng cứ hợp pháp, những điều kiện cần và đủ của hồ sơ, tài liệu, chứng cứ… để xem xét Giám đốc thẩm bản án theo đúng quy định của pháp luật.
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc