Những doanh nhân nghìn tỷ ở Việt Nam có sự nghiệp trước 30 tuổi là ai?

Thứ năm - 11/11/2021 05:13 0
Với hầu hết các doanh nhân, tuổi tam thập nhi lập là dấu mốc quan trọng để họ bứt phá, gây dựng nền tảng cho những công ty nghìn tỷ sau này.

 

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Sinh năm 1956, nguyên quán Đà Nẵng, trước khi bước qua tuổi 30, công việc của ông Bình gắn chặt với việc học tập và nghiên cứu. Năm 23 tuổi, ông Bình tốt nghiệp Cử nhân Toán, trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, CHLB Nga. Ba năm sau, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Toán Lý của trường này.  Về nước năm 26 tuổi, ông làm tại Viện Cơ học thuộc Viện khoa học Việt Nam. Sau đó, từ năm 1983 tới 1985, ông là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện toán học Steclov thuộc viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết.

Năm 1988, khi bước sang tuổi 32, ông Bình cùng các thành viên khác sáng lập Công ty công nghệ Thực Phẩm, tiền thân của Tập đoàn FPT sau này.

Hiện, FPT có trên 15.000 nhân viên, với tổng tài sản khoảng 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm luôn vượt trên nghìn tỷ.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

Theo giới thiệu của Vingroup, ông Vượng sinh năm 1968, nguyên quán Hà Tĩnh, là kỹ sư kinh tế Địa Chất. Ông Vượng bắt đầu kinh doanh từ khá sớm, nhưng trước tuổi 30, ông chủ yếu sống và làm việc tại Đông Âu .

Trước năm 1993, ông Vượng học và làm việc ở Matxơcova. Công việc của ông khi đó giống như những tiểu thương buôn bán nhỏ tại chợ người Việt. Năm 25 tuổi, ông Vượng cùng một số bạn bè thành lập Công ty cổ phần Technocom, chuyên kinh doanh các mặt hàng thức ăn nhanh tại Ukraina. Theo ước tính, ở thời kỳ thịnh vượng, sản phẩm mỳ gói Mivina của Technocom chiếm 80% tới 90% thị phần tại Ukraina, biến công ty này thành một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại quốc gia này.

Năm 2000, Tập đoàn Technocom thông qua hai công ty là Vincom và Vinpearl bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch khách sạn, bất động sản, chứng khoán và thương mại tài chính.

Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn Technocom tại Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội. Tháng 2 năm 2010, Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ đã mua lại cơ sở Technocom ở Ukraina và thương hiệu Mivina, giá mua được thỏa thuận giữ kín. Tháng 11 năm 2011, đại hội cổ đông bất thường 2 Công ty cổ phần Vincom và Vinpearl đã chính thức thông qua phương án sáp nhập để thành lập Tập đoàn Vingroup.

Hiện, Vingroup có tổng tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT ông Phạm Nhật Vượng ngoài việc tiếp tục là doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, cũng được một tạp chí danh tiếng nước ngoài bình chọn là tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Đảm đương cả cương vị Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, nên vị doanh nhân sinh năm 1963 còn được biết đến với tên gọi Bầu Đức. Trước khi trở thành ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tài sản cá nhân vài nghìn tỷ đồng, ông Đoàn Nguyên Đức có sự nghiệp học hành nhiều trắc trở với 4 lần thi trượt đại học.

Năm 22 tuổi, sau khi thử đi thử lại với công danh khoa cử, ông Đức quyết định thành lập một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã ở Gia Lai. Qua vài năm điều hành, năm 1990, xí nghiệp này bắt đầu làm ăn có lãi, vốn liếng tăng lên nhanh chóng. Ba năm sau đó, khi tròn 30 tuổi, ông quyết định chuyển phân xưởng thành Xí nghiệp Tư doanh Hoàng Anh, tiền thân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với công việc chính vẫn là chế biến gỗ.

Hiện, Hoàng Anh Gia Lai hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là bất động sản, thủy điện, cao su và chế biến gỗ. Ngoài thị trường trong nước, bầu Đức cũng đang chi hàng trăm triệu USD đầu tư sang Lào, Campuchia, Myanma. Cá nhân ông Đức hiện là người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương.

Sinh năm 1972, nguyên quán Bắc Giang, ông Hà Văn Thắm khởi nghiệp từ khá sớm. Tốt nghiệp Đại học Thương Mại chuyên ngành quản trị kinh doanh năm 21 tuổi, ông ngay lập tức bắt tay vào kinh doanh. Từ năm 1993 tới 1997, ông làm Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh chuyên cung cấp mặt hàng lốp xe ô tô, dầu ăn.

Năm 27 tuổi, ông Thắm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH VNT hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Trước khi sang lĩnh vực tài chính vào năm 2003 với chức danh Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Nông thôn Hải Dương, từ năm 29 tuổi tới 31 tuổi, ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Liên doanh VietCans, đơn vị chuyên về sản xuất hộp kim loại và thiếc.

Ông Thắm, làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương từ năm 2007. Hiện, tổng tài sản Ocean Group đã vượt 12.000 tỷ đồng, kinh doanh đa ngành bất động sản, khách sạn, ngân hàng và mới đây đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan.

Ông Quang sinh năm 1963, nguyên quán Quảng Trị. là Tiến sĩ Vật lý và có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA). Ông Quang trước năm 30 tuổi không tham gia công việc kinh doanh. Từ năm 1991 tới 1994, ông công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Năm 32 tuổi, ông bất ngờ chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, với chức danh Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank.

Từ năm 2000, ông Quang bắt đầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh. Theo báo cáo hợp nhất, đến 31/3, tổng tài sản của Masan là hơn 40.600 tỷ đồng.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen).

Ông Vũ sinh năm 1963 tại Quảng Nam, không học đại học, có trình độ Trung học chuyên nghiệp. Trước khi thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen vào năm 2001 và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc vào năm 38 tuổi, ông Vũ có quá trình kinh doanh với khá nhiều thăng trầm.

Thập niên 90, chàng thanh niên Lê Phước Vũ trải qua nhiều công việc khác nhau, sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Chắt chiu nhiều năm trời, anh tích cóp được 2 chỉ vàng (tương đương hơn một triệu đồng). Vay mượn thêm người quen, Vũ thuê cửa hàng để kinh doanh tôn lẻ tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM.

Cầm số tiền lãi 650.000 đồng của ngày đầu tiên làm chủ cửa hàng nhỏ.
Nhưng con đường kinh doanh không dễ có lợi nhuận như ngày hôm đó, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Lê Phước Vũ sau đó gặp nhiều khó khăn khác, từ thị trường nhỏ, ít vốn tới nợ vay cao... Nhận thấy, cửa hàng bán lẻ nếu cứ kinh doanh mãi một kiểu sẽ không còn lời, thậm chí khó tồn tại, vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao...

Thành lập Tập đoàn Hoa Sen khi đã gần tuổi 40, ông Vũ dần biến doanh nghiệp này từng bước trở nên lớn mạnh. Hiện, Hoa Sen là một trong những doanh nghiệp mạnh nhất trong ngành tôn mạ, với tổng tài sản trên 6.300 tỷ đồng. Ông Vũ hiện cũng có tên trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát

Sinh năm 1961 tại Hải Dương, ông Trần Đình Long thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, tiền thân của Tập đoàn Hòa Phát sau này khi đã bước qua tuổi 30. Là một doanh nhân khá kín tiếng và ít xuất hiện trước báo chí, nên không có nhiều thông tin về ông chủ Hòa Phát trước tuổi 30, ngoài việc ông đã tốt nghiệp Cử nhân tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vào năm 1986.

Ông Trần Đình Long, ngoài việc liên tục nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán còn là một trong những doanh nhân ít ỏi tại Việt Nam sở hữu trực thăng riêng. Tập đoàn Hòa Phát do ông điều hành hiện có tổng tài sản trên 19.000 tỷ đồng. Quý I, công ty lãi sau thuế trên 480 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài gòn - Hà Nội (SHB).

Sinh năm 1962 tại Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển là Kỹ sư Vật lý vô tuyến. Trước khi dấn thân vào ngành ngân hàng, ông làm cho nhiều đơn vị với công việc liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Trong đó, từ năm 22 tuổi đến 25 tuổi, ông là kỹ sư tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình thuộc Đài phát thanh Hà Nội. Sau đó, ông chuyển qua Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) vẫn với công việc kỹ sư. Ông ở Hanel một năm trước khi chuyển sang Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, làm ở đây đến năm 31 tuổi rồi trở thành Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, một công ty hoạt động đa ngành, từ tài chính, bất động sản, thể thao, tài chính tới công nghiệp.

Hiện, ngoài cương vị là Chủ tịch T&T và SHB, ông Hiển còn là Chủ tịch HĐQT của rất nhiều công ty khác như Chứng khoán Sài gòn Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF), Thủy sản Bình An (Bianfishco), Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp SHB, Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB).

Thuộc lớp doanh nhân trẻ, ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, nguyên quán Tiền Giang. Là con cựu chủ tịch ACB, ông Trần Mộng Hùng, ông Trần Hùng Huy do đó công tác tại ngân hàng này từ khá sớm. Năm 24 tuổi, sau khi hoàn thành Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ), ông Huy về nước và bắt đầu làm việc tại ACB với chức vụ Chuyên viên nghiên cứu thị trường. Hai năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Marketing tại ngân hàng này. Khi tròn 30 tuổi, ông Huy đã là thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu.

Năm 2012, 34 tuổi, ông Huy được bổ nhiệm giữ cương vị Chủ tịch ACB giữa bối cảnh hệ thống ngân hàng nói chung và ACB nói riêng gặp nhiều khó khăn.

ACB hiện có tổng tài sản khoảng 176.000 tỷ đồng. Quý I, lãi sau thuế đạt hơn 300 tỷ đồng, bằng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT Địa ốc Sài gòn Thương Tín (Sacomreal).

Cũng thuộc thế hệ doanh nhân trẻ, ông Đặng Hồng Anh sinh năm 1980, là người gốc Hoa. Đặng Hồng Anh là con của hai doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành - Cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (Sacombank) và bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - đơn vị lớn trong ngành mía đường.

Trước khi xảy ra một loạt biến cố đối với gia đình bắt đầu từ Sacombank vào năm 2012, ông Đặng Hồng Anh được đánh giá là một doanh nhân trẻ khá thành công và có con đường công danh thuận lợi trước tuổi 30.

Sau khi có bằng cử nhân kinh tế, năm 22 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc tại Thành Thành Công. Hai năm sau đó, ông giữ cương vị Tổng giám đốc Sacomreal và kiêm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty này vào năm 2005 khi ở tuổi 25. Năm 2008, ông Hồng Anh thôi kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc mà chuyên tâm vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sacomreal hiện có tổng tài sản trên 6.500 tỷ đồng. Quý I, công ty lãi hơn 1,5 tỷ đồng, bằng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức hay Phạm Nhật Vượng... là những doanh nhân đang điều hành những công ty được cho là lớn nhất trong lĩnh vực của mình. Nhưng trước khi thành những "đại gia" nổi tiếng trên thương trường, trước tuổi 30, mỗi doanh nhân lại có những khởi đầu khác nhau.

 

Tác giả bài viết: Hàn Phi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây