Những ngày cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý quân khí, Bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP. Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.HCM được giao nhiệm vụ trực các chốt kiểm soát, khu cách ly, phong tỏa, tiếp nhận bàn giao tro cốt của những người mất đưa về gia đình một cách nhanh nhất, chu toàn nhất.
Trong một lần anh Kiên cùng đồng đội đến trao tro cốt người phụ nữ 44 tuổi tên Nguyễn Thị Ngọc Nga về gia đình tại khu xóm trọ ở phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, anh đã không thể kìm nổi lòng mình khi không một ai khác mà chính một đôi bàn tay bé nhỏ đã đưa ra để nhận tro cốt của người mẹ.
Tìm hiểu thêm thì anh được biết, bé là Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi) cháu cùng mẹ là F0 đã từng cùng mẹ nhập viện để điều trị. Sau khi khỏi bệnh, Châu được về nhà cách ly, còn mẹ phải ở lại để tiếp tục điều trị, nhưng mẹ cháu đã không qua khỏi. Cha mẹ cháu chia tay nhau khi cháu còn rất nhỏ, mẹ cháu mưu sinh bằng tất cả mọi công việc có thể như phụ hồ, làm mướn, lượm ve chai... để nuôi con. Nhưng còn đáng thương hơn khi cháu bé ở trong nhà trọ một mình và đang được các cô, chú xung quanh cưu mang, cho bữa cơm, bữa cháo.
Cảm thông trước hoàn cảnh đó, anh Kiên đã xin ý kiến cấp trên để đưa tro cốt của mẹ bé về lại đơn vị. Đồng thời, liên hệ với UBND phường Tân Phú, xin cho cháu vào khu cách ly của phường trong thời gian tìm người thân cho cháu. Trước hoàn cảnh của bé Châu, mặc dù gia đình cũng không khá giả, nhưng anh Kiên được sự ủng hộ của gia đình, đã nhận đỡ đầu, chăm lo cho bé.
Sau hơn 1 tháng vất vả ngày đêm tìm kiếm từ TP.HCM xuống Vũng Tàu lại về TP.HCM anh Kiên được biết thêm, cháu Châu còn 2 anh em khác: anh trai tên Đình Huy 10 tuổi, còn chị tên Bảo Ngọc 8 tuổi, sống cùng bà ngoại tại phường 8, Quận 4, TP.HCM.
Biết được thông tin trên anh Kiên đã sắp xếp thời gian tìm đến địa chỉ trên, trước mắt anh là căn phòng được gia cố bằng những tấm ván ép cũ kỹ đã bong tróc bao bọc căn nhà nhỏ ảm đạm, vỏn vẹn khoảng 20m2. Vật dụng trong nhà đều đã cũ kỹ hầu như không có gì giá trị.
Điều đáng buồn hơn là 2 cháu đều vì cuộc sống khó khăn nên đã có một thời gian bỏ học để đi nhặt ve chai sống qua ngày với mẹ và hiện tại đang sống với bà ngoại đã 87 tuổi.
"Trong thời gian tiếp xúc, chăm lo cho các cháu với nỗi lòng của người cha có 2 con, tôi đã không kiềm được lòng mình khi các cháu hồn nhiên xin gọi tôi là ba Kiên. Tiếng gọi đó làm lòng tôi trùng xuống xen lẫn ấm áp và tự nhủ phải lo cho các cháu. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình và cảm thông trước những mất mát của các cháu khi còn quá nhỏ, tôi đã nhận đỡ đầu thêm 2 cháu", anh Kiên chia sẻ.
Để các con đỡ đầu của mình được đi học, anh Kiên đã xin các máy điện thoại cũ để các cháu học online, mua vở, sách cũng như vật dụng cần thiết trong học tập gửi đến các cháu, ngoài ra để hoàn thành nghĩa vụ của một người cha, anh Kiên đã thường xuyên điện thoại cho cô giáo trao đổi về tình hình học tập của các bé, đồng thời anh cũng đang vận động sửa căn nhà cho bà và đưa cả 3 cháu bé về nuôi cùng.
"Tôi mong muốn tất cả những trẻ em mồ côi nói chung, trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 nói riêng luôn nhận được sự chăm lo, yêu thương, quan tâm, động viên từ phía gia đình, nhà trường, bạn bè, chính quyền địa phương và sự chung tay của cả cộng đồng để sớm vượt qua mất mát, ổn định cuộc sống và vươn lên trở thành những người có ích trong xã hội; góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau trẻ em mồ côi vì COVID", anh Kiên chia sẻ.
Người chiến sĩ của những sáng kiến
Tại Hội nghị Tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình trong phòng chống dịch COVID-19 ngày 14/10, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng bằng khen. Ngoài ra, trong công việc anh đã có những thành tích vượt trội; từ năm 2016 đến nay, anh Kiên có khoảng 20 sáng kiến, cải tiến dự hội thi cấp thành phố và quân khu.
Một số sáng kiến nổi bật như "Giá bắn đa năng và Ba lô thông tin" được công nhận cấp Bộ Tư lệnh TP; Mô hình chống bão được đề nghị nhân rộng cấp Quân khu năm 2018; sáng kiến "Đôi tay chiến sĩ Robot diệt COVID-19" năm 2020 đạt giải Nhất cấp thành phố và giải B cấp Quân khu 7.
Anh còn là tấm gương về tinh thần ham học hỏi, chủ động, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học.
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc