Nhạc sĩ Hoàng Lương, Người kể chuyện tài hoa về ngọn nguồn những dòng sông trắng

Thứ hai - 29/11/2021 04:02 0
Sinh ra tại Đà Nẵng, Hoàng Lương cùng anh trai mình Nhà thơ – Nhạc sĩ A Khuê được tắm mát không chỉ dòng nước của sông Hàn thơ mộng, mà cả hai anh em tài hoa ấy còn được tắm mát trong không gian âm nhạc Thánh đường từ người cha - nhà giáo chơi vĩ cầm xuất thân từ một tu sĩ đạo Thiên Chúa và tấm lòng dịu dàng của người mẹ đảm hiền, nhân hậu. Trong căn nhà nhỏ ở Phước Tường (ngoại ô TP Đà Nẵng hiện nay), những Nguyễn Quang Tấn, Trần Quang Lộc, Phạm Phú Hải, Vũ Hữu Định… và nhiều tên tuổi thi ca, âm nhạc nổi tiếng mai sau quây tụ dưới những vòm xanh cây, nghe người cha Hoàng Lương dạy những nốt nhạc đầu tiên, những bài xướng âm đầu tiên. Từ căn nhà giản dị thương hiền của cha, mẹ anh, cả một đội ngũ những nhạc sĩ, thi sĩ của tháng năm mai sau đã được khơi tạo, ươm mầm, chắp cánh thành những tên tuổi, trong đó có A Khuê, Hoàng Lương.

Sau 1975, những khó khăn chất chồng của công cuộc hàn gắn đất nước thời hậu chiến, Hoàng Lương theo gia đình phiêu dạt về Sóc Trăng, khai khẩn, trồng khoai, lúa, chăn gia súc như những người nông dân vùng châu thổ thực thụ. Sự gieo neo thiếu thốn thời kỳ này không của riêng ai. Giấc mê huyền bí của âm nhạc không quật ngã được chàng trai hiền lành, chăm chỉ ít nói với nụ cười dễ lây: Hoàng Lương. Thập niên tám mươi, sự khó khăn bám riết, anh theo A Khuê ngược lên xứ Đồng Nai làm thuê, chăn bò, đốt than thuê. Thi tập “Lùa bò trong sương” nổi tiếng của người anh trai anh Nhạc sĩ – Thi sĩ A Khuê gây tiếng vang  từ hoàn cảnh nghèo ngặt ấy. Còn Hoàng Lương tìm được việc làm trên những nương cao su xanh nghi ngút của miền đất có câu ca dao khắc khoải: “Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai/ Nước trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người quân tử lạc loài tới đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về”. Và cái xứ sở của loài cây cho những dòng nhựa quý như những dòng sông trắng bất tận lại là một cuộc thử thách nhạc sĩ Hoàng Lương. 10 năm (1982 – 1992), từ khởi tìm để kiếm sống, bóng mát của bát ngát rừng cao su, sự giản dị, đùm bọc, chia sớt của những người công nhân một sương hai nắng dưới tán rừng hy vọng nuôi ý chí âm thầm người nghệ sĩ đã từng là công nhân cao su, để những năm tháng này hàng chục ca khúc viết về người công nhân trồng cao su, viết về những gian khổ nhưng tươi tốt của lớp lớp con cháu là hậu duệ những người phu cao su một thời chưa xa đi vỡ đất, khai khẩn, khơi dòng, bồi giữ những dòng nhựa trắng như những con sông trắng thơm thảo ý chí và sức người. Mười ca khúc tài hoa viết về đề tài mà anh khởi đi từ tìm việc, kiếm sống, rồi tình yêu, sự gắn bó, thương mến là một trang sáng tròn đầy, như câu chuyện kể của một người kể chuyện tài hoa kết tủa lại trước ngút ngát thời gian đã ngang qua anh.

 Album “Về Miền Cao Su” là tấm lòng nhạc sĩ Hoàng Lương tri ân những năm tháng rất đỗi yêu thương.

Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tri ân Nhạc sĩ Hoàng Lương và xin giới thiệu đến CB.CNV người lao động trong toàn ngành Album “Về miền Cao su” gồm 10 ca khúc chất chứa sâu nặng tình cảm của một người nhạc sĩ tài hoa dành tặng cho mảnh đất Cao su Đồng Nai, nơi mà ông từng gắn bó.

Chiều xuân em hát - Kim Huệ, Thanh Trúc, Thanh Trâm, Thanh Loan

Rừng xưa - Huỳnh Khả Huyền

 Đi trong rừng Cao su - Ngọc Phượng

Rừng hát - Duy Minh

 Về miền Cao su - Minh Thuận

 

Tác giả bài viết: Nhà thơ Hoàng Quý (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây