Toàn cảnh Chùa Đèn Cầy nhìn từ trên cao
Từ Khu Du lịch Thác Giang Điền, du khách đi tiếp khoảng hơn 1 km nhìn bên tay phải là gặp cổng chào của Khu Đô thị Suối Son. Từ cổng chào đi vào vài chục mét du khách sẽ thấy thấp thoáng một bức tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát và mái chùa dần hiện ra, bao bọc xung quanh là những hàng dương cao vút, xanh thẫm. Đi vào bên trong, phái trước chánh điện một bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát hiện ra uy nghiêm với chiều cao 19m, nặng đến 480 tấn. Đặc biệt của bức tượng là được tạc bằng đá hoa cương trắng nguyên khối; trong khuôn viên chùa, ở khu vực ngoại viện (diện tích 3 héc ta) là những lối đi nhỏ uốn lượn, dọc hai bên đường đi với nhiều cây cỏ, hoa lá đang khoe sắc. Tại nơi đây, du khách sẽ bắt gặp các công trình văn hóa tâm linh ấn tượng như: Lâm viên Đại Bi Chú với 84 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm trong cảnh giới Đại Bi Chú trang nghiêm và thanh tịnh, công trình khắc kinh trên đá nguyên khối nặng hàng trăm tấn....
Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát (Tứ diện Ngũ phương) bằng đá trắng nguyên khối (chiều cao 19m, nặng 480 tấn) đạt Kỷ lục Guinness Việt Nam
Lâm viên Đại Bi Chú với 84 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm trong cảnh giới Đại Bi Chú
Đôi nét về sự hình thành ngôi Già Lam nổi tiếng linh thiêng
Vào những năm đầu của thập niên 90 - thế kỷ trước, có một nhà sư trẻ đã rời bước khỏi chốn thị thành Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt đi đến nơi xa xôi hẻo lánh để tu tập, hành đạo. Nơi đây nhà sư trẻ đã kiến tạo nên một ngôi Thiền tự uy nghiêm, hùng vĩ ngay trên miệng hố bom – một tàn tích của vùng chiến địa một thời của chiến trường Miền Đông Nam bộ.
Tiếp xúc với vị Sa môn Thích Giác Hiếu – Trụ trì ngôi chùa nổi tiếng này, thầy đã chia sẻ với chúng tôi về “cơ duyên” từ những ngày đầu hình thành ra ngôi Già Lam và lý do tại sao đại chúng bốn phương thường gọi Viên Giác Thiền Tự bằng cái tên gần gũi, thân thương là Chùa Đèn Cầy, thầy chia sẻ: Từ lúc mới lên 9 tuổi thầy được gia đình gửi vào chùa để tu học, đến năm 19 tuổi thì xuất gia, năm 25 tuổi thầy được thọ giới Tỳ Kheo tại Tổ Đình Giác Nguyên (TP.HCM). Với một tâm hồn thanh tịnh luôn hướng về phật pháp lại thích gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây, thầy quyết định rời thành phố, nối bước Hòa thượng Bổn sư Thích Minh Nghĩa dừng chân tại một khu đồi hoang vắng gần thắng cảnh Thác Giang Điền, sớm hôm, ngày đêm tu tập, ngân nga kinh kệ trong ngôi Già Lam Thiền viện Toàn Giác; khi “duyên tròn quả đủ”, thầy đã bắt tay vào khai khẩn đất đai gần khu vực Thiền viện Toàn Giác để thành lập một thiền thất nhỏ và đặt tên là Thiền thất Viên Giác (hiện tại là Viên Giác Thiền Tự).
Sa môn Thích Giác Hiếu – Trụ trì Viên Giác Thiền Tự (Chùa Đèn Cầy)
Hàng chục năm trước, ngay từ khi hình thành Viên Giác Thiền Tự, đều đặn mỗi tháng cứ đến chiều 18 rạng sáng 19AL và các ngày lễ lớn như; lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát…Ngoài việc thuyết giảng, thực hiện các nghi lễ của Phật giáo thì thầy còn tổ chức lễ rước đèn hoa đăng– khi ấy các hàng phật tử mỗi người đều cầm trên tay một cây đèn cầy được thắp sáng đồng loạt, tập trung trước chánh điện nghe thuyết giảng Phật pháp; sau đó tất cả mọi người đi một vòng quanh khuôn viên chùa và chánh điện để tụng kinh, niệm phật và cầu nguyện; cầu cho quốc thái dân an, cầu siêu độ cho người đã khuất, cầu an lạc cho mình, cho gia đình và cho mọi người… Thầy Giác Hiếu chia sẻ: Việc tổ chức nghi lễ và rước đèn hoa đăng cũng giống như những Chùa, Thiền viện khác thôi, nhưng “không hiểu sao”, có lẽ do các Phật tử đến dự lễ và rước đèn quá đông, nên đã tạo một điều gì đó ấn tượng, khó phai trong lòng các phật tử. Chỉ sau một vài lần tổ chức lễ rước đèn hoa đăng thì các phật tử “tự” đặt thêm tên cho chùa là “Chùa Đèn Cầy” mà ít khi gọi là Viên Giác Thiền Tự.
Hàng tháng đến chiều 18 rạng sáng 19AL và các ngày lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát…Chùa tổ chức Lễ rước đèn hoa đăng với hàng chục ngàn phật tử đến từ các tỉnh thành trên cả nước.
Chùa Đèn Cầy trải qua một thời gian nhiều thăng trầm biến đổi, nhiều năm để trùng tu, xây dựng lại. Cho đến hôm nay đã hoàn thành được Ngôi Chánh điện với dáng vẻ uy nghiêm mang phong cách của những ngôi Thiền tự thời Lý- Trần; đi kèm với chánh điện là một số công trình văn hóa tâm linh nổi bật, ấn tượng nhất nhì Đông Nam Á. Hiện nay, trong toàn bộ khuôn viên (rộng hơn 5 hecta) còn có nhiều công trình mới đang tiếp được xây dựng hoàn thiện. Theo bản vẽ được chính vị Trụ trì tự tay thiết kế; Chùa bao gồm hai khu vực: nội viện và ngoại viện. Khu nội viện, có diện tích 2 hecta, bao gồm chánh điện và các khu tăng xá, thiền thất… Khu vực ngoại viện diện tích 3 hecta, bao gồm các công trình lớn như: Lâm viên đại bi chú, trong đó thể hiện 84 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, 1 giảng đường Thiện Tường có diện tích hơn 6.500 m2 (chiều dài 80m và chiều ngang 80m/ 3 tầng), tầng 1 có 12 gian (tượng trưng cho Thập Nhị Đại Nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát), trong đó được xây 48 thiền thất nhỏ (tượng trưng cho 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà). Tầng 2 thông với tầng 3 sẽ được sử dụng làm giảng đường và là nơi tổ chức các khóa tu tập, hành trì của các Tăng Ni, Phật tử. Chiều cao của công trình này là 37m (biểu trưng cho 37 phẩm trợ đạo). Đặc biệt, có một công trình mà ít nơi nào có là - công trình khắc kinh trên 3 khối đá, mỗi khối nặng trên 400 tấn và 1 khối đá nặng hơn 180 tấn được khắc Kinh Phổ Môn; và bao bọc xung quanh toàn bộ khuôn viên chùa được lót đá sạch sẽ có nhiều tảng đá nhỏ được khắc lên đó những câu kinh Phật; để các phật tử, du khách chiêm nghiệm, lắng đọng cũng như thưởng lãm phong cảnh.
Chánh điện Viên Giác Thiền Tự (Chùa Đèn Cầy)
Công trình khắc kinh lên những khối đá nặng hàng trăm tấn…
“Khi khoác ào Cà Sa tôi luôn tâm niệm phải học Đạo, tu Tâm theo lời Phật dạy. Nhưng hành đạo không có nghĩa chỉ tu cho bản thân mình, mà phải đem cái tâm “Hỷ” trải lòng trên niềm vui của nhân sinh, đem cái tâm “Từ” để giáo hóa những ai còn nặng nghiệp chướng, tai ương. Xây dựng Tam Bảo, thiết lập đạo tràng cũng chỉ nhằm hướng đến bản nguyện độ sanh, đó cũng là bản nguyện của người xuất gia…” –Sa Môn Thích Giác Hiếu chia sẻ.
Đường vào Tu viện Giác Núi Soklu
Tu viện Viên Giác Núi Soklu hiện đang được xây dựng
Chùa Đèn Cầy thường xuyên tổ chức các khóa tu để rèn luyện đạo đức cho các Thanh thiếu niên
Một ngày ở Chùa Đèn Cầy là một ngày được sống trọn vẹn trong niềm an lạc của sự tĩnh lặng và bình yên. Mọi sự nhiễu nhương, xô bồ, tất bật của cuộc sống đời dường như không còn tồn tại; cái giới hạn của không gian, thời gian dường như đã tan biến, thay vào đó sự thanh tịnh, bình an trong tâm hồn. Về với Viên Giác Thiền Tự là tìm về với chính mình; nơi đây mỗi người dường như đã được giải thoát, được yêu thương và chia sẻ; được sống cùng với thiên nhiên, nguồn cội và như được thắp sáng lên “ngọn nến lòng” để khai thông tuệ giác, hướng về những giá trị của sự an lạc và hạnh phúc trong mỗi con người.
Một số hình ảnh tại Chùa Đèn Cầy
VIÊN GIÁC THIỀN TỰ (CHÙA ĐÈN CẦY)
Điện thoại: 0251 2686827 - 0251 2686837
Địa chỉ: 233/5 Ấp Đoàn Kết, Xã Giang Điền, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai
https://www.facebook.com/vgtt.chuadencay
Link bài gốc:
Ý kiến bạn đọc