Hành trình đầy thú vị của bánh mì Việt: Từ bị “tẩy chay” đến "Thương hiệu quốc gia"

Thứ năm - 13/10/2022 13:25 0
Sáng ngày 11/10/2022, Báo Thanh Niên và Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Văn Lang, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”.

Hội thảo được tổ chức với mục đích nghiên cứu, sưu tập tư liệu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về tiến trình lịch sử Bánh mì Việt Nam – Hành trình giao thoa văn hóa. Đồng thời, Ban tổ chức cũng mong muốn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố. Buổi hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 1.000 người, từ các đầu bếp chuyên nghiệp, lãnh đạo các chi hội siêu đầu bếp thế giới, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thợ làm bánh cùng giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

700

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm bên bàn trưng bày các loại bánh mì Việt Nam trong buổi hội thảo

 

Từ món ăn phương Tây bị người Việt “tẩy chay” trở thành ẩm thực bản địa

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn – Trưởng Ban tổ chức hội thảo, bánh mì là một món ăn đơn giản nhưng chứa đựng một hành trình lịch sử, cụ thể là lịch sử mở rộng thuộc địa của người Pháp và phản ứng của người Việt với văn minh phương Tây, diễn ra trong suốt gần 100 năm. Bánh mì đến xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc địa. Họ ăn bánh mì hằng ngày như người Việt ăn cơm. Người Việt ban đầu ghét quân xâm lược nên cũng không ưa những phong tục phương Tây mang đến, trong đó có văn hóa ẩm thực, bánh mì cũng không ngoại lệ.

Đồng ý kiến với ông Nguyễn Ngọc Toàn, bà Nguyễn Thị Thuý Phượng – quyền Viện trưởng Viện Mekong cũng cho rằng nguồn gốc của ổ bánh mì ở Việt Nam chính là bánh mì baguette do người Pháp mang sang vào những năm đầu thế kỷ 19. Do việc vận chuyển thực phẩm từ Pháp sang rất khó khăn và nước ta không trồng được lúa mì nên bánh mì thời điểm đó là một mặt hàng xa xỉ, chỉ dành cho giới thượng lưu.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, những người lính Pháp và vật tư của họ đã đến Việt Nam. Đồng thời, những loại lúa mì cũng được nhập khẩu vào nước ta. Vì nguồn nguyên liệu phát triển hơn nên bánh mì cũng trở nên phổ biến hơn trong đời sống của mọi người. Lúc này, ngay cả người Việt bình dân cũng có thể thưởng thức các mặt hàng chủ lực của Pháp như bánh mì.

Tuy vậy, bánh mì Việt Nam chỉ thật sự định hình khi cửa hàng Hòa Mã của ông Hòa, bà Tịnh xuất hiện năm 1958 ở Sài Gòn. Do bà Tịnh, ông Hòa từng làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội, nên khi vào Sài Gòn họ đã biến tấu bánh mì baguette từ kích thước ban đầu là 80cm thành chiếc bánh với chiều dài chỉ khoảng 30 – 40cm. Sau bánh mì thịt nguội, họ nghĩ ra cách kẹp thịt, chả lụa cùng với pa-tê vào giữa ổ bánh để người mua tiện mang theo.

z3799078412608 fa696f777020f93a337e3cd282b8a744

Mr David Long - Phó Ban tổ chức Hội thảo

700

Không gian trưng bày các loại bánh mì Việt Nam trong buổi hội thảo

Hành trình trăm năm của bánh mì Việt rõ ràng là hành trình mang tính lịch sử. Trong hành trình đó thì bánh mì Việt từ một món ăn phương Tây không được người Việt chấp nhận, giờ đây, món bánh mì có nguồn gốc từ Pháp này đã dần trở nên thân thuộc, gần gũi gắn bó với đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt Nam, trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Việt trên thế giới.

Thạc sĩ Nguyễn Cao Trí chia sẻ: “Chúng ta có thể tìm thấy bánh mì trên hè phố hay đến các bữa tiệc sang trọng và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế. Bánh mì dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đã thể hiện sự tiếp nhận và cải biến ẩm thực của người Việt Nam”. Vài năm trở lại đây, bánh mì Việt Nam đã trở thành một món ăn nổi tiếng và được nhiều người nước ngoài yêu thích. Giống như Phở, người ta gọi bánh mì Việt Nam là "Banh mi", một cái tên riêng đầy ngưỡng mộ, chứ không phải là Vietnamese baguette hay Vietnamese sandwich.  Đây thực sự là một dấu ấn khi mà bánh mì đã khiến người nước ngoài phải nhớ đến bằng cái tên riêng trong trí óc họ mỗi khi muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam. Với ba điều cơ bản: ngon-bổ-rẻ, bánh mì nhỏ bé của Việt Nam đã có thể hiên ngang sánh vai với những loại bánh kẹp thịt trên thế giới như Tacos (Mexico), Sandwiches (Anh) hay Baguettes (Pháp).

z3799078393896 8e06defc9e5b3b4f93bfb9c2bfbea3aa

Khai thác thế mạnh ẩm thực để kích thích sự phát triển của du lịch

PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: “Ẩm thực được xem là yếu tố tạo nên giá trị cho điểm đến và là yếu tố được quan tâm cho quyết định chọn điểm đến của du khách. Khai thác giá trị ẩm thực trong du lịch sẽ giúp phát triển kinh tế của địa phương. Chúng ta có thể thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam thông qua thương hiệu bánh mì. Cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của ẩm thực trong mối tương quan với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần nâng cao thương hiệu và đầu tư cho việc xúc tiến quảng bá ẩm thực Việt Nam thông qua du lịch, tập trung vào những món ăn nổi tiếng, trong đó có bánh mì”.

“Ở Đức có lễ hội Oktoberfest. Đây là lễ hội bia lừng danh được tổ chức ở Đức, mỗi năm thu hút từ 6 – 7 triệu người tham dự. Tương tự, để quảng bá và nâng cao nhận thức của xã hội về bánh mì, chúng ta có thể lấy ngày 24/3 để tổ chức lễ hội bánh mì Việt hằng năm, qua đó thu hút và phát triển du lịch”, PGS-TS Phạm Hồng Long gợi ý. Ông cho rằng cũng như từ “pho” (phở), từ “banh mi” của VN được từ điển nổi tiếng Oxford ghi danh vào ngày 24/3/2011 mà bất cứ ai muốn gọi phải nói bằng tiếng Việt. Dẫn câu gợi ý của cha đẻ ngành marketing Philip Kotler trong lần đến Việt Nam năm 2007 “Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”. PGS-TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh tầm quan trọng của ẩm thực Việt và coi đây là thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam khi xây dựng thương hiệu quốc gia.

 

 

Tác giả bài viết: Ngọc Trúc - Ngọc Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây