“Trầm” Fashion Show - Khi giới trẻ đưa di sản vào thời trang

Thứ bảy - 23/07/2022 20:26 0
Mới đây “Trầm” Fashion show được tổ chức tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. “Trầm” Fashion show không chỉ khẳng định cá tính riêng của các bạn trẻ trong từng thiết kế, mà còn cho công chúng thấy được sự đồng hành của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đến dự buổi diễn có sự góp mặt của bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Trưởng Phòng Nghệ thuật, Chủ tịch Công đoàn Sở Văn hoá Thể Thao TP.Hồ Chí Minh; PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng – Nguyên Hiệu trưởng trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh; ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO Bảo tồn Cổ vật Việt Nam; Đạo diễn Hoàng Hoài Nam; Nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn.

“Trầm” Fashion Show - Khi giới trẻ đưa di sản vào thời trang.

Với sự tâm huyết giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, dưới góc nhìn của những nhà thiết kế thời trang, các bạn trẻ đã có sự sáng tạo bằng việc thổi hồn những di sản của cha ông vào trang phục, tạo nên những bộ sưu tập độc đáo, đưa di sản đến gần với công chúng hơn.

NTK Tăng Phải Toàn – BST “Tứ Linh”.

BST được lấy ý tưởng từ Tứ linh - bốn linh vật quen thuộc trong văn hóa Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, có ý nghĩa tượng trưng cho những điều kì diệu, toàn diện, may mắn và tốt đẹp nhất. Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng lịch sử, ngày nay nó vẫn tồn tại, khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong văn hóa dân tộc Việt Nam. BST sử dụng tông vàng làm chủ đạo. Đây là màu sắc đại diện cho hành Kim, mang ý nghĩa của sự giàu sang, sung túc và thịnh vượng.

NTK Phạm Thị Tuyết – BST “Âm vang Việt”.

BST “ÂM VANG VIỆT” được lấy ý tưởng từ nghệ thuật hoá trang mặt nạ Hát Bội. Đó là những màu sắc nét vẽ đặc trưng của một số mặt nạ nhân vật trong nghệ thuật Hát Bội như Tạ Ôn Đình, Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Chung Vô Diệm để cách điệu thành hoa văn đưa lên trang phục thiết kế tạo điểm nhấn, đăc biệt nổi bật lên trang phục áo dài cách tân tạo nên sự kết hợp giữa đương đại và truyền thống. Đồng thời, điểm gây ấn tượng của BST chính là sự đồng hành biểu diễn của các nghệ sĩ Hát Bội, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của BST cũng như bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

NTK Huỳnh Thị Thùy Trang – BST “Uyển Mộng”.

Nhắc đến Huế, người ta mơ tưởng về vùng đất mộng mơ có chút cổ kính, dịu dàng và trầm lặng, đem đến cho người khi đặt chân đến đây một cảm giác yên bình khó tả. Huế được tạo nên từ những mảnh ghép của tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. BST “Uyển Mộng” được lấy cảm hứng từ những hoa văn trang trí trên công trình kiến thời Nguyễn với hoa văm đa dạng phong phú, đầy ý nghĩa, kết hợp với tà áo dài gợi lên hình bóng của người con gái Huế dịu dàng, một nét rất riêng chỉ Huế mới có được.

NTK Nguyễn Minh Thích – BST “Chiến thần”.

BST “Chiến thần” xuất phát từ hình ảnh của những chiến binh Hy Lạp cổ đại đầy dũng cảm, kiên cường được khắc họa qua các câu chuyện lịch sử, những bản trường ca hào hùng, những tác phẩm điêu khắc hay trên các hiện vật. Cùng với đó là phong cách Hy Lạp với đường nét tự nhiên, nhấn mạnh tư thế hoàn hảo, độ dẻo của chuyển động được thể hiện qua những form dáng hiện đại, giúp tôn vinh những nét đẹp của cơ thể. Điểm nhấn của BST chính là việc khai thác chất liệu – tạp dề dùng trong các lò mổ, với mục đích biến những điều đơn giản, tưởng chừng như đau thương thành tác phẩm nghệ thuật.

NTK Đào Thu Uyên – BST “Nét mộc”.

BST được lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ - một dòng tranh dân gian nổi tiếng trong lịch sử. Qua việc sử dụng đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy dó quét điệp óng ánh, tranh Đông Hồ vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân. Những đề tài chúc tụng, cát tường được thể hiện trên tà áo dài kết hợp với áo yếm, váy yếm cách tân gợi lên hình ảnh của những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam vừa giản dị nhưng không kém phần tinh tế.

NTK Võ Hoàng Qui – BST “Bạch lam xuyến kim”.

BST “Bạch Lam xuyến kim” là sự kết hợp từ một số họa văn nổi bật của gốm Chu Đậu thời Lê sơ (thế kỉ XV-XVI) kết hợp phương pháp vẽ vàng 24k được ứng dụng lên nền trang phục vest cách điệu, tô đậm sự sắc xảo, sang trọng của trang phục cũng như hoa văn gốm. Bộ sưu tập là mang hơi hướng của nét cổ xưa và hiện đại, từ trong hoa văn, họa tiết cho đến form dáng, phong cách và xử lý chất liệu.

Bên cạnh đó, góp phần làm nên sự đặc sắc của chương trình không thể không nhắc đến đó là sự xuất hiện của ca sĩ Quốc Đại và các tiết mục đến từ các nghệ sĩ của nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.Hồ Chí Minh với điệu múa chào mừng “Nhật Nguyệt Bát Thiên Vương” và trích đoạn “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá”.

Ca sĩ Quốc Đại thể hiện giọng ca ngọt ngào của mình tại “Trầm” Fashion Show.

Phát biểu tại buổi diễn, ông Huỳnh Minh Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO Bảo tồn Cổ vật Việt Nam chia sẻ: “Là một người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản nên tôi rất trân quý với sáng tạo đầy tâm huyết của các bạn trẻ đối với di sản. “Trầm” Fashion Show là sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống và hiện đại được các bạn trẻ ứng dụng và sáng tạo trong thời trang, đưa đến một góc nhìn mới, hướng tiếp cận mới đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Các bộ sưu tập không chỉ khẳng định phong cách, cá tính riêng của người thiết kế mà còn cho mọi người thấy được: giới trẻ không hề lãng quên di sản văn hóa dân tộc.

Trích đoạn “Tạ Ôn Đình” chém Khương Linh Tá.

Với năng lượng sáng tạo dồi dào, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn đã và đang chung tay trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản theo cách rất riêng, rất đặc biệt. Đồng thời, qua buổi trình diễn này cũng cho thấy sự quan tâm trong giáo dục di sản của các thầy cô khoa Mỹ thuật nói riêng và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM nói chung. Đây là một trong những hướng đi đúng đắn, một tín hiệu vui và cần được tiếp tục phát huy cho các khóa sau.”

ThS. Hồ Ngọc Minh, Thầy Nguyễn Chí Công tặng hoa tri ân cho các nhà tài trợ.

“Trầm” Fashion show là chương trình được tổ chức và thực hiện bởi khoa Mỹ thuật, Tổng đạo diễn Hoàng Anh Tuấn cùng sự đồng hành của các nhà tài trợ. Và đây cũng chính là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình trong hoạt động đào tạo ngành Thiết kế thời trang của khoa Mỹ thuật nói riêng và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh nói chung.

 

Tác giả bài viết: Huy Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chia sẻ bài viết này:

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn


Những tin cũ hơn


ngaymoionline logo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây